1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc "ngậm bồ hòn" trong nhiều dự án lớn với Triều Tiên

(Dân trí) - Là đồng minh thân thiết lâu năm, vậy nhưng Trung Quốc cũng đang tỏ ra giận dữ trước cách hành xử của Bình Nhưỡng. Đã có không ít dự án hợp tác giữa hai nước được triển khai rầm rộ rồi bị bỏ dở khiến Bắc Kinh phải “ngậm bồ hòn”.

Để thấu hiểu sự giận dữ của Bắc Kinh với đồng minh lâu năm Triều Tiên, bạn chỉ cần lái xe qua khu Đô thị mới Dandong, một phần của khu biên giới từng được kỳ vọng là biểu tượng cho sự hợp tác Trung – Triều.

Binh lính Triều Tiên ở phía bên kia của Khu đô thị mới Dandong
Binh lính Triều Tiên ở phía bên kia của Khu đô thị mới Dandong

Từ thành phố chính Dandong chạy xe về phía Tây Nam, khu đô thị được đầu tư nhiều tỷ USD nhìn thật ấn tượng ở phía chân trời. Một “rừng” những tòa cao ốc mọc lên được bao quanh bởi những trung tâm thương mại khổng lồ, thậm chí còn to hơn cả những tòa nhà chính phủ. Thêm một vòng đu quay lớn cùng một sân bóng rổ tiêu chuẩn quốc tế càng khiến quang cảnh khu đô thị thêm ấn tượng.

Nhưng, cũng giống như mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, những công trình xây dựng đó chỉ ấn tượng khi nhìn từ xa. Một khi đã đến khu đô thị mới, bạn sẽ hiểu vì sao những người dân địa phương gọi đây là “thành phố ma”.

Bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc buộc các viên chức tới sống ở đây, chỉ có lèo tèo một vài người dân giữa thành phố với hơn 60 tòa chung cư. Nếu muốn, bạn cũng có thể nằm vài phút giữa đại lộ trung tâm 10 làn xe mà rất ít khả năng sẽ bị xe đụng. Còn vòng đu quay khổng lồ thì chưa từng động đậy.

Rất nhiều người tại Dandong khẳng định thất bại của dự án này là do những lời hứa về cải cách kinh tế không được thực hiện từ phía Triều Tiên.

Bên cạnh các mối lo ngại khác của Trung Quốc về chính quyền của Kim Jong-un sau những vụ thử hạt nhân hay đe dọa chiến tranh, việc Bình Nhưỡng không tuân thủ kế hoạch hợp tác kinh tế đã góp phần làm xấu đi mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm này.

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, quân đội Trung Quốc ban đầu đóng tại Dandong đã tham gia can thiệp để bảo vệ Triều Tiên trước sự tấn công của Mỹ và Hàn Quốc, góp phần tạo ra đường biên giới liên Triều ngày nay.

Tuy nhiên kể từ đó đến nay Trung Quốc đã thay đổi lớn và không ngừng khuyến khích người láng giềng thực hiện những cải cách từng được Bắc Kinh triển khai những năm 1980, với hy vọng việc mở cửa sẽ giúp kinh tế của Bình Nhưỡng được cải thiện, giảm bớt sự lệ thuộc vào hỗ trợ từ Trung Quốc.

Thế nhưng Triều Tiên vẫn một mực từ chối và khiến Trung Quốc nổi giận, chuyển sang ủng hộ lệnh cấm vận của Liên hợp quốc với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2.

Trở lại với khu đô thị mới Dangdong, đây từng được dự định sẽ là thành phố gần kề thành phố Sinuiju của Triều Tiên ở bên kia bờ sông Yalu. 11 năm trước, Sinuiju được xác định trở thành một “đặc khu kinh tế”, nơi Bình Nhưỡng có thể thí điểm cải cách thị trường, giống như những gì Trung Quốc đã làm trong những năm 1980 và 1990.

Ở thời điểm đó Sinuiju được hoạch định trở thành một Thâm Quyến của Triều Tiên sau khi thành phố này trở thành đặc khu kinh tế thành công nhất của Trung Quốc. Thế nhưng Sinuiju giờ đây chỉ là một minh chứng cho sự ảo tưởng vẫn đang kìm hãm đất nước và người dân Triều Tiên.

Lo lắng về những ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể tạo ra tại Sinuiju, và có lẽ cả những vùng khác của đất nước, những cải cách từng được hứa hẹn chưa bao giờ được triển khai.

“Triều Tiên đơn giản là không nằm trong xu thế cải cách kinh tế chung”, Adam Cathcart, biên tập viên trang web SinoNK.com chuyên về quan hệ Trung – Triều khẳng định. “Đó là một sự mất mặt đối với chính phủ Trung Quốc. Họ từng không ngừng nói (với doanh nghiệp Trung Quốc) rằng đã đến lúc đầu tư, Kim Jong-un sẽ mở cửa. Câu hỏi cần đặt ra là vì sao Triều Tiên lại quá thô lỗ với Trung Quốc đến vậy?”

Hòn đảo Hwanggumpyong vẫn chưa có dấu hiệu của sự đầu tư
Hòn đảo Hwanggumpyong vẫn chưa có dấu hiệu của sự đầu tư

Đến nay Sinuiju trông không khác vài năm trước: một đám những tòa nhà không đèn điện kiểu Xô Viết được bao quanh bởi những nhà máy mà ống khói hiếm khi nhả khói. Việc xây dựng một cây cầu 4 làn xe chạy, nối khu đô thị mới Dandong với Sinuiju với toàn bộ chi phí 300 triệu USD do Trung Quốc tài trợ, hầu như đã bị tạm dừng. 8 cọc móng khổng lồ được đóng trên sông Yalu với các cần cẩu ở phía trên không có động tĩnh nào suốt cả tuần qua.

Ở phía xa của Đô thị mới Dandong là hòn đảo Hwanggumpyong rộng 11 km vuông, một phần lãnh thổ của Triều Tiên, dù trong mùa khô nhìn “hòn đảo” giống như nằm bên phía bờ Trung Quốc của sông Yalu.

2 năm trước, tại một lễ ký linh đình với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao hai nước, trong đó có người chú đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Jang Song-taek, Bình Nhưỡng tuyên bố chấp thuận cho Bắc Kinh thuê hòn đảo này 100 năm. Trung Quốc đã dự định xây dựng Hwanggumpyong thành một khu công nghiệp, nơi các doanh nghiệp nước mình có thể tận dụng lao động giá rẻ của Triều Tiên.

Vậy nhưng một lần nữa, kế hoạch này không được thực hiện. Lối vào Hwanggumpyong từ phía Trung Quốc giờ đã bị một chốt kiểm soát quân sự chặn bằng hàng rào thép gai. Đằng sau chốt này vẫn có thể thấy một tấm bảng lớn mang dòng chữ “Chào mừng tới khu kinh tế Hwanggumpyong”. Nhưng suốt tuần qua chỉ có duy nhất một hoạt động diễn ra tại đây là một nhóm binh sỹ Triều Tiên đứng tụ tập hơ tay vào lửa để sưởi.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự giận dữ khi hé lộ rằng thỏa thuận hợp tác này có thể bị chấm dứt hoàn toàn. Những người ủng hộ khu Đô thị mới Dandong thì nói rằng thành phố của họ sẽ chỉ có thể phát triển nếu Triều Tiên tôn trọng các cam kết. Nhưng đến giờ vẫn không ai biết liệu nhà lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng Kim Jong-un có ủng hộ khu kinh tế gần biên giới Trung Quốc này.

Trong khi đó các thương nhân Trung Quốc, những người từng tin rằng họ sẽ phát tài nhờ sự mở cửa của Triều Tiên, chua chát thừa nhận họ đã có nhiều bài học về sự cảnh giác khi làm ăn với các đối tác láng giềng.

“Rất nhiều trường hợp, hai bên cùng hợp tác 6 - 8 năm và rồi khi đến lúc phải thanh toán, phía Triều Tiên nói: “Ồ, chúng tôi vẫn còn nợ anh 100.000 USD sao? Chúng tôi sẽ không trả đâu”, Chen, một doanh nhân 68 tuổi và đã làm ăn tại Sinuijus từ năm 1994 cho biết. “Đơn giản là không có sự tin cậy nào”.

Thanh Tùng
Theo The Globe and Mail