1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàn Quốc và Triều Tiên cùng “lõm” nặng nếu Kaesong đóng cửa

(Dân trí) - Để hỗ trợ các doanh nghiệp phải rút khỏi khu công nghiệp Kaesong, Hàn Quốc vừa phải thành lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá 273 triệu USD. Tuy nhiên con số thiệt hại cuối cùng mà Seoul phải chịu có thể lên tới vài tỷ USD.

Thông tin được hãng thông tấn Yonhap của nước này đăng tải sáng nay, dẫn thông báo của Bộ thống nhất Hàn Quốc. Theo đó Seoul đã chấp thuận chi 300 tỷ won, tương đương 273 triệu USD nhằm hỗ trợ các công ty gặp khó khăn tức thời về thanh khoản do phải ngừng hoạt động tại các nhà máy trong khu công nghiệp Kaesong.

Đóng cửa Kaesong, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thiệt
Đóng cửa Kaesong, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thiệt

Số tiền trên bao gồm 63 tỷ won các khoản vay lãi suất thấp từ quỹ hợp tác liên Triều. 100 tỷ won tiếp theo đến từ quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 100 tỷ won nữa từ Tập đoàn tài chính Hàn Quốc và 36,9 tỷ USD còn lại do quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước Hàn Quốc cung cấp. Ngoài ra 3 ngân hàng của Hàn Quốc cũng đang trong quá trình cấp thêm 300 tỷ won hỗ trợ nữa cho các công ty nêu trên.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, các biện pháp mới nhất này là nỗ lực đầu tiên của chính phủ nước này nhằm hỗ trợ phần nào cho 123 công ty bị ảnh hưởng do đợt khủng hoảng vừa qua. Các biện pháp hỗ trợ tiếp theo sẽ được triển khai sau khi mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp được đánh giá đầy đủ.

Các công ty này đã buộc phải ngừng hoạt động từ hôm 9/4 vừa qua khi Bình Nhưỡng ra lệnh rút toàn bộ 53.000 công nhân của mình. Đáp lại Seoul cũng lệnh cho toàn bộ 175 công dân nước mình tại Kaesong về nước, khiến khu công nghiệp này đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên cùng “lõm” nặng

Nếu viễn cảnh trên trở thành sự thực, nó sẽ không chỉ làm gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã chông gai giữa hai miền Triều Tiên, mà còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Hậu quả trước mắt có thể thấy ngay đó là khoản đầu tư 840 triệu USD của Seoul vào khu công nghiệp này sẽ bị mất trắng. Trước đó Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 350 triệu cho hạ tầng của Kaesong và gần 500 triệu USD dành cho nhà xưởng và các trang thiết bị.

Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, con số thiệt hại thực sự mà nước này phải gánh có thể lên tới 5,5 tỷ USD, do các doanh nghiệp phá sản sau khi phải đóng cửa nhà máy tại đây.

Hầu hết công nhân Hàn Quốc đã rời Kaesong
Hầu hết công nhân Hàn Quốc đã rời Kaesong

Năm ngoái, Kaesong đã tạo ra khối lượng sản phẩm trị giá 470 triệu USD, bao gồm hàng may mặc, phụ tùng ô tô, dây cáp điện và thiết bị gia dụng. Khu công nghiệp này cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 800 công nhân Hàn Quốc. Hiện chỉ còn lại 7 công nhân tại đây sau khi Seoul ra lệnh rút toàn bộ công nhân về nước.

Trong một bản báo cáo được Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) đệ trình hồi đầu tuần lên nghị sỹ Kim Jae-gyeong của đảng Saenuri cầm quyền, 123 doanh nghiệp nước này tại Kaesong đã vay tổng cộng 1200 tỷ won (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các ngân hàng với lãi suất từ 1,9% - 15%/năm. Trong đó 860 triệu USD sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay.

Với việc hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, một số công ty đang phải xin hoãn trả lãi, một dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của họ đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù FSS đã đề nghị các ngân hàng tạm dừng thu tiền lãi của các doanh nghiệp này, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi các doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi phạt, khiến tình hình tài chính của họ thêm khó khăn.

Ngay cả với 2 doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ 1,9% - 5%/năm từ Quỹ hợp tác liên Triều, khả năng thanh toán tiền lãi cũng đã bắt đầu khó khăn, với số nợ quá hạn của quỹ này đã lên tới gần 5,2 triệu USD.

Về phía Triều Tiên, mặc dù thiệt hại về kinh tế nhỏ hơn rất nhiều do nước này hoàn toàn không đầu tư gì vào hạ tầng hay các nhà máy tại Kaesong, Bình Nhưỡng sẽ mất đi một nguồn thu quan trọng.

Theo nghiên cứu của viện Peterson, hàng năm chính quyền Triều Tiên thu được một phần đáng kể từ khoản lương 110 USD/tháng mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho mỗi công nhân nước này.

Nếu tính tổng cộng các khoản thu này, cộng với khoản thu từ thuế, phí, cho thuê mặt bằng, số tiền mặt Bình Nhưỡng có được vào khoảng 90 triệu USD/năm. Đây rõ ràng là một con số không nhỏ với một nước bị lệnh cấm vận bủa vây suốt nhiều năm qua.

Kaesong sẽ không bị đóng cửa vĩnh viễn?

Mitchell Reiss, cựu nhân viên Bộ ngoại giao Mỹ nhận định Triều Tiên sẽ không có ý định đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp này. “Tôi nghĩ khu công nghiệp đó quá quan trọng với họ và họ sẽ không đóng cửa nó vĩnh viễn. Đó chỉ là một chiến thuật được họ đưa ra sau khi các bước đi trước đó không thể khiến Hàn Quốc, Mỹ và các bên khác e sợ”, ông Reiss nói.

Ông cũng cho rằng Bình Nhưỡng đã bị bất ngờ trước phản ứng của Seoul trong vụ việc này khi không nhượng bộ mà tiếp tục tỏ ra cứng rắn. “Tôi cho rằng những gì đã diễn ra khiến họ hơi bất ngờ. Thay vì tham gia “trò chơi”, Tổng thống Park lại quyết định leo thang và rút toàn bộ công nhân Hàn Quốc về nước”.

Những ngày qua, báo giới Triều Tiên ít nhất đã hai lần lên tiếng tỏ ý muốn “níu kéo” Seoul ở lại Kaesong khi cảnh báo rằng, Seoul phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu khu công nghiệp này phải đóng cửa, và rằng việc rút toàn bộ nhân viên khỏi khu công nghiệp Kaesong là một hành động hấp tấp và đáng bị coi thường. Mới đây nhất, tờ Minju Josun của Triều Tiên số ra hôm qua đã yêu cầu Hàn Quốc không được đóng cửa Kaesong.

Trước đây Triều Tiên từng đóng cửa biên giới với Hàn Quốc nhưng sau đó vài ngày đã mở cửa trở lại.

Thanh Tùng
Tổng hợp