Bí ẩn kinh tế Triều Tiên
Hiện Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, tiêu thụ khoảng 67,2% hàng xuất khẩu của nước này; kế đến là Hàn Quốc.
Ảnh: REUTERS
Lờ mờ thông tin
Rất khó thu thập thông tin nói chung về Triều Tiên và nền kinh tế của nước này vốn đang bị tác động lớn bởi các lệnh trừng phạt, trong khi chính phủ Triều Tiên không công bố các số liệu thống kê chính thức. Nền kinh tế của Triều Tiên ra sao và nước này tạo nguồn thu nhập bằng cách nào chắc hẳn đó là những điều ai cũng muốn biết.
Điều kiện kinh tế của Triều Tiên nói chung là không tốt. Theo Niên giám các nước trên thế giới của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kinh tế của Triều Tiên là một trong những nền kinh tế tập trung nhất và ít cởi mở nhất thế giới, đồng thời triền miên đối mặt với những vấn đề nan giải về kinh tế. Triều Tiên được đánh giá là rất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng sự chi tiêu cho quân sự với quy mô lớn đang làm hao mòn nguồn tài nguyên này.
Triều Tiên có các nền công nghiệp như sản xuất thiết bị quân sự, chế tạo máy, điện năng, hóa học, khai thác mỏ, luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên là khoáng chất, sản phẩm luyện kim, dệt may, nông - thủy - hải sản. Về nhập khẩu, Triều Tiên nhập các mặt hàng xăng dầu, than cốc, máy móc - trang thiết bị, dệt may và ngũ cốc.
Có nhiều nhận định, đánh giá từ phương Tây cho rằng nền kinh tế Triều Tiên yếu kém, tồi tệ và bị cô lập. Một số khác nhận định rằng nền kinh tế này lao đao vì lệnh trừng phạt và cấm vận của Liên Hiệp Quốc cũng như gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô. Các nhận định khác cho rằng vì Triều Tiên tách biệt với thế giới bên ngoài nên khó có thể hình dung được cuộc sống hiện tại của người dân ở đây và đánh giá chính xác thực lực của nền kinh tế nước này.
Nguồn thu từ đâu?
Tuy giới truyền thông của Mỹ và Hàn Quốc từng bóng gió rằng nền kinh tế Triều Tiên đang đứng trên bờ sụp đổ nhưng có thông tin nhận định kinh tế nước này đã tăng trưởng thực dương trong mấy năm trở lại đây. Ngoài ra, kinh tế Triều Tiên cũng không hề bị biệt lập. Bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 150 nước, trong đó có nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Theo CNN, phần thu nhập lớn nhất của Triều Tiên có được là từ việc buôn bán vũ khí. Mặt khác, với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Triều Tiên đã cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ.
Ở đâu cũng thấy hàng Trung Quốc
Tài liệu của CIA khẳng định Trung Quốc tiêu thụ 67,2% hàng xuất khẩu của Triều Tiên và hàng hóa Trung Quốc chiếm tỉ lệ 61,6% trong tổng lượng hàng nhập khẩu của Triều Tiên. Hàn Quốc chiếm tỉ lệ lần lượt là 19,4% và 20%. Ấn Độ mua 3,6% hàng xuất khẩu của Triều Tiên trong khi hàng hóa của EU chiếm khoảng 4% tổng số lượng nhập khẩu của Triều Tiên.
Giáo sư Jim Hoare, Khoa Đông phương học và Phi học Trường Đại học London - Anh, người từng thành lập sứ quán Anh đầu tiên ở Triều Tiên vào năm 2001, cho biết trong những năm đầu của thập kỷ trước, Seoul là bạn hàng chủ yếu của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thực tế đó đã không còn kể từ khi chính quyền của cựu tổng thống Lee Myung-bak chấm dứt chính sách trước đây của Seoul và thay vào đó là Bắc Kinh. Ông Hoare quả quyết: “Hàng hóa Trung Quốc có mặt khắp mọi nơi ở Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp cho nước này tất cả mọi thứ”.
Một vài số liệu kinh tế - Tổng sản phẩm quốc nội: 40 tỉ USD, xếp 103 thế giới (ước tính năm 2011). - Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế: 0,8% (ước tính năm 2011). - Thu nhập bình quân đầu người: 1.800 USD (ước tính năm 2011). - Thu ngân sách: 3,2 tỉ USD. - Chi ngân sách: 3,3 tỉ USD. Triều Tiên không công bố dữ liệu về thu nhập quốc gia. Các số liệu trên đây do Tổ chức Kinh tế Angus Maddison thực hiện trong một nghiên cứu được tiến hành đối với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kết quả được làm tròn tới 10 tỉ USD. D.Quang Theo The World Factbook, CIA |