Chính sách tiêu hoang và nạn đói rình rập ở Triều Tiên (P2)

(Dân trí) - Trong khi những chính sách chi tiêu mạnh tay của chính phủ tại thủ đô giúp tầng lớp trung lưu tại Bình Nhưỡng ngày càng giàu lên, tại các vùng nông thôn, nạn đói luôn rình rập và người dân hầu như cả đời chỉ biết đến thủ đô qua TV.

Bên ngoài Bình Nhưỡng, màn đêm thường đến sớm. Tại huyện Ryonggang ở phía Tây thủ đô, bóng đêm sẽ bao trùm ngay khi mặt trời lặn. Tại một nhà trọ, 2 phụ nữ đứng nói chuyện thì thầm trong một hành lang được thắp bằng nến, trong khi những chiếc loa phóng thanh gần đó vẫn oang oang.

Một tuyến đường nông thôn phía Bắc Kaesong
Một tuyến đường nông thôn phía Bắc Kaesong

Trang trại của nhà Kim Jong-jin ở Hamhung có một máy phát điện, giúp ông và vợ có thể xem TV và đầu đĩa DVD khi màn đêm buông xuống. Ban ngày, ông cẩn thận đậy chúng bằng một lớp vải nhung.

Căn nhà của họ nhỏ nhưng vô cùng sạch sẽ. Nước được bơm lên từ một cái giếng trong vườn. Nhiệt để sưởi đến từ một hệ thống “ondol” truyền thống của người Triều Tiên, với một lò sưởi bằng gỗ ngầm bên dưới. Chất thải được biến thành khí gas để đun nấu. Thực phẩm được trồng ngay ở vườn bên ngoài nhà.

Tuy nhiên không phải ai cũng có được cuộc sống khá khoải mái như gia đình ông Kim, người thường được các quan chức chính phủ chọn để “khoe” sự giàu có của người dân. Những dấu hiệu về sự nghèo đói có thể thấy khắp đất nước.

Một bà mẹ địu đứa con ngồi run rẩy bên đường. Những cậu bé chạy chân đất, hầu như chẳng mặc gì ngoài chiếc quần đùi trong một ngôi làng bị phá hủy bởi lũ. Những đôi vai giơ xương cùng khuôn mặt lấm lem cho thấy sự đói khát đang giày vò những chàng lính trẻ.

Qua những con đường ngăn nắp, những tuyến đường cao tốc mấp mô rời khỏi Bình Nhưỡng, có rất ít đường kết nối những ngọn núi trơ trọc. Chỉ có những lối mòn bụi bặm có thể trở nên nguy hiểm với bùn lầy khi mưa xuống. Dân làng phải vất vả dọn tuyết với dụng cụ tạm bợ là những tấm ván bằng gỗ.

Ô tô là một thứ hàng hiếm bên ngoài Bình Nhưỡng nơi xăng rất khan hiếm. Tại Hamhung, thành phố lớn thứ hai của Triều Tiên, binh sỹ thường nhảy lên phía sau các xe tải có động cơ được đốt bằng củi, tỏa khỏi mù mịt phía sau.

Hàng hóa được buộc vào sau xe đạp, từ củi đun tới những con lợn đã chết. Nhiều ông già ngồi thu mình bên đường với chiếc bơm xe đạp cùng tấm bảng nhận vá xe. Gia súc và người bước đi nặng nề kéo theo hàng hóa phía sau.

Ruộng đồng xơ xác tại khu vực phía Nam Bình Nhưỡng
Ruộng đồng xơ xác tại khu vực phía Nam Bình Nhưỡng

Hầu hết mọi người suốt cả đời chỉ biết đến thủ đô qua TV. Với họ Bình Nhưỡng đúng là vùng đất tiên. Cuộc sống tại vùng nông thôn Triều Tiên giống như những gì những người cao tuổi tại Hàn Quốc thường kể lại về thời kỳ nghèo đói của họ sau chiến tranh 1953. Trên thực tế, những năm 1970, Triều Tiên giàu có hơn cả Hàn Quốc.

Ngày nay, một Hàn Quốc mới đã là nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới. Còn tại Triều Tiên, theo Chương trình lương thực thế giới, 2/3 dân số vẫn trầy trật chạy ăn từng bữa.

Triều Tiên thừa nhận những tổn thất lớn về kinh tế do sự sụp đổ của Liên Xô những năm đầu 1990. Nhưng họ lại đổ lỗi cho sự cô lập quốc tế ngày càng lớn cho Mỹ, nước đã đi đầu trong việc trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó Bình Nhưỡng chuyển sang làm ăn với các công ty tại Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Italia, Ai Cập và nhiều nơi khác. Những liên doanh này giúp các siêu thị tại thủ đô luôn sẵn hàng hóa, các cửa hàng máy tính đầy ắp sản phẩm, còn đường phố không thiếu ô tô đắt tiền hiệu Volkswagen, bất chấp bị cấm vận.

Suốt nhiều năm, hàng hóa và các phong tục của nước ngoài từng bị hoài nghi, cho dù ai trong thâm tâm cũng thèm muốn. Ông Kim Jong-un đã đánh trúng sự tò mò này khi khuyến khích hoạt động thương mại bằng cách trích dẫn câu nói của cha rằng Triều Tiên đang “mở tầm nhìn ra thế giới”, nghĩa là một quốc gia phải làm quen với các thông lệ quốc tế cho dù vẫn tiếp tục gìn giữ bản sắc.

Điều đó không có nghĩa là nhà lãnh đạo trẻ giúp việc đi du lịch trở nên dễ dàng hơn hay có thể truy cập mạng để đọc báo. Thay vào đó Kim Jong un đang có kế hoạch đưa tháp Eiffel và tháp Big Ben về với người dân dưới dạng mô hình thu nhỏ, trong một công viên thế giới dự kiến được khai trương vào cuối năm nay.


Chính những dòng tiền và hàng hóa đó đã tạo ra một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh tại thủ đô. Bình Nhưỡng giờ đây có rất nhiều những người sành điệu mặc những bộ áo jacket có thắt lưng, kẹp tóc đính đá quý lấp lánh, móng tay được đắp nổi bắt mắt.

Tại một nhà hàng kiểu châu Âu hồi tuần trước, một cặp đôi trẻ trong một buổi hẹn hò đã nhâm nhi rượu cocktail với những trái dâu Maraschino bên trên, thưởng thức bánh pizza với chiếc điện thoại di động để trên bàn.

Trong khi sự khác biệt giữa đời sống ở thủ đô và những vùng nông thôn lay lắt trong nghèo đói ngày càng lớn, có một thứ vẫn giống nhau ở cả hai khu vực: sự khó hiểu và ngột ngạt của luật pháp.

Ngay cả khi cười, người Triều Tiên cũng thận trọng. Việc chỉ trích chính quyền hay nhà lãnh đạo không chỉ là điều cấm kỵ mà còn nguy hiểm. Khi được hỏi ý kiến, hầu hết mọi người đều lặp lại như vẹt những gì họ nghe được trên các phương tiện truyền thông nhà nước, cách an toàn nhất để trả lời câu hỏi tại một nơi mà an ninh chặt chẽ và đáng sợ.

Rất ít người biết Internet là gì. Truyền hình cáp hay điện thoại quốc tế càng hiếm. Việc giao tiếp với người nước ngoài khi chưa được phép vẫn bị cấm. Khách du lịch nước ngoài luôn bị theo sát và không được khuyến khích thực hiện các chuyến đi không báo trước tới các gia đình, cửa hàng, nhà hàng hay văn phòng.

Quanh Chae, tiệm hớt tóc này hoàn toàn không một bóng người mà chỉ có những chiếc ghế xoay mới tinh. Một nhân viên cho biết hầu hết người Triều Tiên đều tham gia một buổi giáo dục tư tưởng các ngày thứ Bảy trong tuần. Đây cũng là ngày duy nhất trong tuần người nước ngoài được vào khu vực này.

Thanh Tùng
Theo AP