Mở rộng ra phía biển là cơ hội bước ngoặt của Cần Thơ
(Dân trí) - Theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, định hướng sáp nhập Cần Thơ với một tỉnh có biển là cơ hội bước ngoặt, tạo điều kiện cho thành phố thủ phủ miền Tây vươn mình mạnh mẽ.
Thay vì mỗi tỉnh mặc một chiếc áo quá chật, hãy cùng khoác áo rộng hơn!
Ngày 10/4, tại chương trình tọa đàm "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân trí tổ chức, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, khẳng định chủ trương sáp nhập các tỉnh thành đang tạo ra cơ hội phát triển với các địa phương.
Ông nói: "Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là bước đi chiến lược đúng đắn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước trong tổ chức lại bộ máy hành chính, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương".

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ tại tọa đàm do báo Dân trí tổ chức (Ảnh: Xuân Hinh).
Ông Phạm Văn Hiểu đồng tình với định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận 127, trong đó nhấn mạnh tiêu chí sáp nhập các tỉnh thành, ngoài yếu tố quy mô dân số và diện tích, việc sáp nhập cần đặt trong bối cảnh tổng thể của quy hoạch quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc biệt là phải phát huy được lợi thế đặc thù của từng địa phương.
"Tại Cần Thơ, chủ trương này được nhìn nhận như một cơ hội lớn để tháo gỡ những điểm nghẽn về không gian phát triển và quy mô địa giới. Cần Thơ hiện chỉ có diện tích khoảng 1.400 km2, là địa phương nhỏ nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra nhiều hạn chế trong quá trình quy hoạch, phân bổ nguồn lực và phát triển liên kết vùng.
Chúng tôi cảm thấy rõ sự "chật chội" trong phát triển, không chỉ về không gian mà còn cả trong tiềm lực hạ tầng và kinh tế", ông Hiểu cho biết.
Theo ông, hiện hệ thống giao thông đã phát triển nhanh chóng, cùng với quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ, Cần Thơ đang có điều kiện thuận lợi để "cởi trói" về không gian phát triển.

Hệ thống giao thông đường bộ kết nối Cần Thơ với các tỉnh đang phát triển nhanh chóng (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Sáp nhập tỉnh thành lần này, Cần Thơ được định hướng mở rộng ra, thậm chí là có biển. Chúng tôi rất mừng. Bởi việc mở rộng không chỉ tạo sự phát triển mạnh mẽ cho Cần Thơ mà còn giúp các địa phương được định hướng sáp nhập phát huy tốt hơn thế mạnh của mình, tạo thành không gian dư địa phát triển tốt hơn", ông Hiểu bày tỏ.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ nhận xét: "Việc mở rộng địa giới hành chính thông qua sáp nhập sẽ giúp Cần Thơ phát huy tốt hơn vai trò trung tâm vùng, không còn bị bó hẹp trong giới hạn địa lý cũ. Các địa phương nếu được tổ chức lại hợp lý sẽ hỗ trợ, bù đắp cho nhau".
"Thay vì mỗi tỉnh "mặc một chiếc áo chật", chúng ta có thể cùng khoác một chiếc áo rộng hơn, phù hợp hơn với chiến lược phát triển vùng", ông Hiểu nhận định.
Có biển là cơ hội bước ngoặt với cả vùng
Vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan dân cử của thành phố thủ phủ miền Tây cho biết, hiện Cần Thơ là địa phương hoàn toàn nằm ở vùng đồng bằng, không giáp biển. Đó là ưu điểm, cũng là hạn chế của địa phương.
Cần Thơ được Trung ương xác định là trung tâm văn hóa xã hội của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là đầu mối giao thông liên vùng, kết nối quốc tế... Tuy nhiên, hiện trạng "chật chội" khiến Cần Thơ chưa phát huy được hết lợi thế của địa phương. Do đó, việc sáp nhập với một tỉnh có biển sẽ là cơ hội cho thành phố.
Ông Hiểu phân tích, hiện hạ tầng giao thông của địa phương đã có sự chuyển mình với cao tốc nối TPHCM, nối Bình Thuận. Đường hàng không có sân bay quốc tế. Cần Thơ cũng được Đảng, Chính phủ định hướng quy hoạch, đưa vào chương trình phát triển đường sắt cao tốc...

Cảng Cái Cui dù là cảng biển nhưng lại cách cửa biển rất xa (Ảnh: Hoàng Tùng).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đường thủy phát triển nhiều nhưng chưa phát huy hết lợi thế tại thành phố. Cần Thơ hiện có cảng biển là cảng Cái Cui, được xem là cảng lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long. Dù được coi là cảng biển nhưng cảng này cách cửa biển Định An cả trăm cây số. Cửa biển Định An lại bồi lắng hàng năm, mỗi năm tốn cả trăm tỷ đồng để nạo vét mà tàu trọng tải lớn vẫn khó ra vào. Trong khi đó, nếu chuyên chở hàng hóa từ Cần Thơ đến cảng Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu xuất khẩu thì chi phí cho mỗi tấn hàng cả chục USD.
Ông Hiểu nói: "Cần Thơ có lượng nông sản, thủy sản, trái cây rất lớn cần giao thương. Nếu Cần Thơ có cảng biển, là địa phương giáp biển sẽ tạo thuận lợi lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, liên vận quốc tế".
Phân tích trên của ông Hiểu chỉ là về lĩnh vực giao thông, hạ tầng. Mà khi có biển, Cần Thơ sẽ có thêm nhiều lợi thế khác.

Ông Phạm Văn Hiểu: "Mở rộng ra phía biển là cơ hội bước ngoặt của Cần Thơ" (Ảnh: Xuân Hinh).
"Nếu có biển, chúng tôi có thể phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển hệ sinh thái ven biển, du lịch biển gắn kết với đồng bằng sinh thái, logistics, hạ tầng ven biển... Đây là nguồn lực rất lớn. Nếu có biển, cả khu vực sẽ có sự phát triển rất mạnh mẽ", ông Hiểu phân tích.
Do đó, ông bày tỏ sự vui mừng, kỳ vọng về định hướng mở rộng Cần Thơ ra hướng biển, về khả năng thành phố sáp nhập với một tỉnh có biển.
Ông Hiểu chia sẻ: "Nếu như trong đợt sáp nhập lần này, được hợp nhất với một tỉnh có biển sẽ tạo ra cơ hội bước ngoặt cho Cần Thơ có điều kiện vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn định hướng trên sẽ sớm thành hiện thực để tạo động lực đi lên cho Cần Thơ và Đồng bằng Sông Cửu Long".