3 kịch bản, 7 giải pháp với kinh tế TPHCM trước tác động thuế quan
(Dân trí) - TPHCM xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, 7 giải pháp để ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ, trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.
Ngày 9/4, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế TPHCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ".
TPHCM xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhận định, việc Mỹ bất ngờ áp mức thuế cao đang tạo ra những lo ngại cho hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
"Khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị đánh thuế cao, sức cạnh tranh sẽ giảm, giá thành tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu và kế hoạch phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2025", ông Được nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt nếu xuất khẩu gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% như Chính phủ đề ra.
Do đó, lãnh đạo thành phố kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý hiến kế, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình mới.
Tại hội thảo, TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - trình bày 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố dựa trên các mức thuế khác nhau mà Mỹ có thể duy trì trong thời gian tới.
Theo ông Vũ, Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của TPHCM, đặc biệt với các mặt hàng như điện, điện tử, gỗ, dệt may và da giày. Trong năm 2024, thành phố đạt giá trị xuất khẩu sang Mỹ khoảng 7,8 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu 3 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại lên tới 4,8 tỷ USD.
"Chính sách thuế mới không chỉ ảnh hưởng riêng TPHCM mà còn tác động đến toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương", ông Vũ lưu ý.
Dựa trên phân tích, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng.
Nếu Mỹ duy trì mức thuế 46% như hiện tại, GRDP của TPHCM có thể giảm từ 2 đến 2,5%, kéo theo tốc độ tăng trưởng năm 2025 chỉ còn khoảng 4,63 đến 5,75%.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế thành phố (Nguồn: HIDS).
Nếu Việt Nam đàm phán thành công và mức thuế được điều chỉnh xuống còn 20 đến 30%, GRDP thành phố dự kiến giảm từ 1,6 đến 1,9%, tăng trưởng đạt mức 6,23 đến 7,35%.
Với kịch bản lạc quan nhất, khi mức thuế được hạ sâu xuống 10% đến 15%, GRDP chỉ giảm nhẹ từ 1 đến 1,3%. Khi đó, TPHCM có thể đạt mức tăng trưởng từ 7,37 đến 8,49%, tiệm cận mục tiêu tăng trưởng 8,5% mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay.
Từ các kịch bản này, ông Vũ khuyến nghị TPHCM cần tập trung nỗ lực đạt được tối thiểu kịch bản trung bình, đồng thời chủ động đẩy mạnh đàm phán và đa dạng hóa thị trường để hướng tới kịch bản lạc quan. Các giải pháp bao gồm thúc đẩy nội lực doanh nghiệp, tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, tăng cường liên kết vùng và chủ động hơn trong quan hệ thương mại quốc tế.
7 giải pháp giúp TPHCM ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ
Bên cạnh việc đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng đề xuất 7 nhóm giải pháp để các nhà khoa học, chuyên gia góp ý, từ đó giúp Thành phố chủ động ứng phó với những thách thức mới.
Trong nhóm giải pháp về xuất - nhập khẩu, Viện nhấn mạnh sự cần thiết của việc đàm phán một "gói giải pháp song phương" giữa Việt Nam và Mỹ. Mục tiêu của gói giải pháp này là nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, hướng đến việc đưa mức thuế Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam về mức trung bình thông qua thỏa thuận hai bên.
Đặc biệt, Viện đề xuất tăng cường kiểm soát tình trạng "gian lận xuất xứ", với trọng tâm là siết chặt các hoạt động chuyển tải hàng hóa từ nước thứ ba qua Việt Nam. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo minh bạch chuỗi giá trị và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Một hướng đi khác được đề cập là thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Chuyên gia hiến kế để TPHCM ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Qua đó, có thể gián tiếp tăng lượng hàng công nghệ cao nhập khẩu từ Mỹ, góp phần thu hẹp mức thâm hụt thương mại và thể hiện tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh việc xuất khẩu trực tiếp công nghệ cao từ Mỹ vẫn còn nhiều rào cản.
Song song đó, Viện khuyến nghị TPHCM cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia. Trong đó, khu vực Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng, đặc biệt với các quốc gia có kim ngạch thương mại ổn định và tăng trưởng như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan.
Viện cũng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển chuỗi cung ứng nội khối thông qua các hiệp định như ASEAN, RCEP, CPTPP, đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược như Mexico, Canada nhằm tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), tạo kênh xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng các FTA đã ký với các nước Trung Đông như CEPA và VIFTA để mở rộng mạng lưới giao thương đến khu vực này, góp phần giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động quốc tế.