Thực phẩm biến đổi gen có thể lạc quan theo kiểu "ăn 10 năm rồi, cứ ăn tiếp có sao"?

(Dân trí) - Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng mới đây, Việt Nam đã chính thức công nhận 4 giống ngô biến đổi gen làm thực phẩm và làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thực phẩm biến đổi gen: Ăn 10 năm rồi, cứ ăn tiếp có sao!
Việt Nam đã chính thức công nhận 4 giống ngô biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm và làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tràn lan thực phẩm biến đổi gen

Tuy nhiên, thực tế là từ nhiều năm nay người tiêu dùng Việt Nam đã và đang ăn, uống trực tiếp lẫn gián tiếp thực phẩm được chế biến từ cây trồng biến đổi gen (GMO) nhập khẩu. Trong đó, có thể kể tới như phần lớn đậu tương nhập về là thực phẩm GMO được dùng để ép dầu đậu nành, sữa đầu nành, đậu hũ, nước tương… bán trên thị trường. Ngô nguyên hạt và thực phẩm chế biến từ ngô cũng có nguồn gốc là thực phẩm GMO.

Hay như một loại sản phẩm gián tiếp là thịt lợn, bò, gà. Mỗi năm, Việt Nam chi vài trăm triệu đô la để nhập khẩu những sản phẩm này từ những nước dùng ngô, đậu nành GMO làm thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Úc… Ngoài ra, chưa kể một phần ngô, đậu nành nhập khẩu trong nước cũng được sử dụng cho chăn nuôi. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là những loại thực phẩm này không hề được dán nhãn mác có liên quan tới thực phẩm biến đổi gen, cơ quan chức năng cũng chưa một lần lên tiếng rằng có loại thực phẩm GMO được bán trên thị trường. Do đó, nhiều người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này hàng ngày trong nhiều năm nay cũng không hề hay biết.

Chị Vũ Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn: “Từ siêu thị cho tới chợ, không nơi nào có tem mác ghi rõ đó là thực phẩm biến đổi gen để người mua lựa chọn. Tôi thích những sản phẩm không phải là thực phẩm biến đổi gen nhưng có lẽ đã mua phải kha khá đồ thực phẩm biến đổi gen rồi mà không hề biết”.

Thậm chí, chính những tiểu thương buôn bán cũng chưa chắc đã hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm của mình. Chủ một hàng bán đậu phụ cho hay: “Đậu tương tôi sử dụng đúng là đậu tương nhập, không phải là loại trong nước trồng còn biến đổi gen hay không thì không rõ. Tôi bán ở đây 6, 7 năm rồi có thấy ai ăn đậu, uống sữa đậu nành xong phản ánh lại gì đâu”.

Có an toàn hay không?

Trước những băn khoăn về tính an toàn của những loại thực phẩm biến đổi gen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, loại thực phẩm này an toàn với cả gia súc và con người. Đồng thời cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng. 

Còn theo GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia trong ngành nông nghiệp: “Nói chung, Việt Nam đã cho nhập thực phẩm GMO 10 năm nay rồi, gia súc của mình như lợn, gà, cá đều ăn ngô đó thôi. Rồi đậu tương biến đổi gen cũng được làm dầu ăn của mình đó. Cần tiếp tục có các nghiên cứu thêm, tuy nhiên cũng không nên chỉ phê phán mà không có cơ sở khoa học, phải có nhận định của riêng mình”, GS Xuân nói.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, trước đó, GS Võ Tòng Xuân cũng nhiều lần nhắc tới việc phải tôn trọng người tiêu dùng thông qua việc minh bạch thông tin. Theo đó, tất cả các sản phẩm GMO cần phải đảm bảo quy định quốc tế về dán nhãn mác GMO, thông tin tới người tiêu dùng cả tác dụng lẫn tác hại của loại thực phẩm này và cung cấp đầy đủ thông tin để người tiêu dùng được tự do lựa chọn có sử dụng hay không.

Tuy nhiên, dù một số người lạc quan, vẫn có nhiều chuyên gia nông nghiệp bày tỏ lo ngại về tính an toàn và tác động lâu dài của các sản phẩm GMO với nông nghiệp nội địa. Điển hình như giống bắp biến đổi gen được chấp nhận cho thương mại hóa đón nhận trong thời gian đầu bởi có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với bắp thường ở khả năng kháng sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ.

Tuy nhiên, theo thời gian những ưu điểm này sẽ giảm dần trong khi tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn không chấp nhận cây trồng biến đổi gen và thực phẩm biến đổi gen.

Dân trí sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia về vấn đề này.

 Phương Dung


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”