Thủ tướng sẽ quyết định nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

(Dân trí) - Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, trong trường hợp đặc biệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (phải). Ảnh: Việt Hưng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (phải). Ảnh: Việt Hưng.

Sáng nay 26/11, đa số đại biểu Quốc hội đám “bấm nút” thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi). Luật lần này có một số nội dung thay đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.

Hạn mức chỉ định thầu theo từng giai đoạn

Ví dụ như đối với kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ 25% hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước để có thể kết hợp tỷ lệ này với điều kiện về một tỷ lệ sở hữu vốn nhất định của chủ sở hữu trong nước tại các đơn vị sản xuất ra sản phẩm hàng hóa trong gói thầu. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung theo hướng thu hẹp phạm vi ưu đãi trong đấu thầu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Tại quy định về chỉ định thầu, có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật quốc gia. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của dự thảo Luật.

Với một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu theo từng giai đoạn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân tự đề xuất, đăng ký dự án đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý trong Luật.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội, thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ không có lợi cho quốc gia như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân… Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Liên quan đến quy định bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và trong trường hợp Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng công ty Nhà nước và các công ty con… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính trong các trường hợp cụ thể đòi hỏi cần xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, theo các tiêu chí về vốn sở hữu, về nhân sự… Do đó, những nội dung này cần được quy định một cách chi tiết trong văn bản hướng dẫn và trong hồ sơ mời thầu.

Mua thuốc tập trung được tổ chức ở cấp quốc gia và cấp địa phương

Và để khắc phục những hạn chế, tồn tại về đấu thầu giá thuốc thời gian qua, Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về mua thuốc của các cơ sở y tế, còn những nội dung cụ thể sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn.

Theo lý giải của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thuốc được sử dụng tại các cơ sở y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân. Mặt khác, việc mua thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có thời gian thực hiện có độ ổn định và hiệu quả trong thực tế, nếu quy định những nội dung mới quá chi tiết trong Luật mà chưa có tổng kết đánh giá và có tính ổn định thì quá trình thực hiện khó tránh khỏi vướng mắc, thậm chí không triển khai được, hậu quả rất khó lường.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về mua thuốc tập trung, dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc mua thuốc tập trung được tổ chức ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động đấu thầu thuốc, dự án Luật quy định 3 loại danh mục thuốc: danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và danh mục thuốc đấu thầu tập trung và tương ứng cho 3 loại thuốc (loại thuốc phải đấu thầu, loại thuốc được đàm phán giá và loại thuốc phải mua sắm tập trung).

Cùng với đó, Luật đấu thầu chỉ quy định việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; còn thành phần Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc được quy định trong Luật dược và các văn bản có liên quan.

Về trách nhiệm của các bộ, ngành trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Hoạt động đấu thầu thuốc và vật tư y tế không chỉ liên quan đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà còn gắn với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành mà trong đó, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Vì vậy, dự thảo Luật quy định rõ Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các danh mục thuốc, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành (kể cả Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế…

Nguyễn Hiền

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước