Chủ tịch Quốc hội: Trân trọng ý kiến người dân về nội dung Hiến pháp
(Dân trí) - Nhắc lại nhận định có một bộ phận người dân và ngay cả các ĐBQH vẫn có những ý kiến khác về một số nội dung trong Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, không vội chụp mũ “chống đối” với những quan điểm khác biệt này.
Ngày 24/12, UB Thường vụ Quốc hội bàn về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 1992 sửa đổi sau khi Quốc hội đã thông qua toàn văn trong kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Kế hoạch đề ra còn nhằm rà soát, kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp.
So với Hiến pháp hiện hành, bản Hiến pháp vừa được thông qua - có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 - có nhiều thay đổi về nội dung và có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước.
Theo đó, đứng đầu thứ tự ưu tiên trong rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp là các văn bản để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác; việc UB Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ…
Việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như Luật Báo chí, luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình... dự kiến được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020.
Ngoài ra, việc triển khai thi hành Hiến pháp mới cũng có các nhóm công việc như tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; củng cố, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin Hiến pháp và pháp luật hiện có.
Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập trước tiên việc vẫn có một số ý kiến, quan điểm khác về Hiến pháp. Ngay trong Quốc hội vẫn có đại biểu có ý kiến khác về một số điều khoản và Quốc hội vẫn trân trọng ghi nhận. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc, “đừng vội chụp mũ “chống đối” với các ý kiến có quan điểm khác” khi tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý không để Hiến pháp có hiệu lực mà không thể triển khai. Từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 công tác lập pháp cần ưu tiên cho tái cơ cấu nền kinh tế để kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời cũng dành thời gian cho các dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổ chức cơ quan đầu mối để chỉ đạo, điều hòa, phối hợp đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thi hành Hiến pháp. Thành phần của Ban Chỉ đạo cần có các thành viên của các cơ quan như UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước… do một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp UB Thường vụ Quốc hội theo dõi, thi hành Hiến pháp. Bà Doan cũng đề nghị tập trung sửa ngay các quy định của pháp luật hiện hành trái quy định của Hiến pháp. Riêng với thiết chế Chủ tịch nước, theo Phó chủ tịch nước, không chỉ các nội dung mới mà ngay với hiến định thống lĩnh các lực lượng vũ trang cũng cần làm rõ mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cá nhân, cơ quan liên quan.
Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm, trong triển khai Kế hoạch, cần ưu tiêu việc tổ chức rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến nền kinh tế.
P.Thảo