Tổng Bí thư: “Tham nhũng đã thành dây, không chỉ là… ăn mảnh”
(Dân trí) - “Tệ tham nhũng nguy hiểm và khó chịu đã thành khá phổ biến và thành đường dây rồi, chứ không phải chỉ một người ăn mảnh một mình… Sắp tới sẽ xử nhiều vụ lớn, bà con hãy chờ xem” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Tây Hồ.
Một tuần sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 6, chiều 6/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc cử tri đầu tiên tại quận Tây Hồ.
Bộ trưởng sợ chữ “tôi”?
Đánh giá nhiều nội dung quan trọng mà Quốc hội kỳ này đã làm được như sửa Hiến pháp, sửa luật Đất đai nhưng cử tri cũng thẳng thắn phê phiên chất vấn.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (phường Bưởi) khái quát, nội dung phiên chất vấn của Quốc hội kỳ họp vừa rồi có nhiều ý kiến thẳng thắng, quyết liệt nhưng có những vị tư lệnh còn né tránh. Ông Toán lấy ví dụ phần đăng đàn của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, nội dung giải trình về xử lý án oan sai trong phiên trả lời chất vấn rất hời hợt, dù đây là vẫn đề liên quan tới sinh mạng con người, người dân vô cùng bức xúc.
Nội dung giải trình của một số tư lệnh ngành khác cũng được nhiều cử tri cho là chưa đạt yêu cầu. Trong đó, cử tri Nguyễn Bốn Bảy (phường Phú Thượng) còn gợi mở vấn đề văn hóa từ chức từ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cử tri Nguyễn Kinh Thành (Yên Phụ) phân tích ở góc độ khác: "Không hiểu các Bộ trưởng, quan chức sợ chữ “tôi” đến mức nào mà không hề dùng, chỉ nói đến “Chính phủ, Bộ ngành sẽ có giải pháp. Cứ viện “chúng tôi” thì đến hết nhiệm kỳ, các vị ra khỏi văn phòng là phủi tay, không “tôi” nào chịu trách nhiệm”.
Ông Thành cảnh báo, chừng nào, chữ “tôi” chưa được cán bộ lãnh đạo dùng đến thì chưa giải quyết được mâu thuẫn trong xã hội. Bởi vì thành tích thì cá nhân ai cũng muốn nhận nhưng khuyết điểm và trách nhiệm cá nhân không ai nói đến.
Chia sẻ những bức xúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giải thích thêm, không được QH chất vấn thì khó có thể nói được. Nhưng người đứng đầu Đảng cũng nhấn mạnh, vấn đề trách nhiệm cá nhân thì phải rõ ràng, làm tốt thì được khen thưởng, khuyến khích, làm sai thì phải xử lý.
7 đoàn kiểm tra phát hiện thêm nhiều tham nhũng
Chuyển sang chủ đề luôn “nóng” – tham nhũng, cử tri Nguyễn Hồng Toán cho rằng, tham nhũng nhức nhối nhiều năm qua nhưng công tác phòng chống làm chưa tốt khi cán bộ sai phạm chủ yếu bị “khiển trách”. Ông đề nghị cho thôi việc với những cán bộ thuộc diện này.
Cử tri Nguyễn Bốn Bảy kiến nghị áp dụng các biện pháp mạnh hơn như quy định tham nhũng 1 tỷ đồng trở lên phải tử hình, cả người về hưu cũng phải kê khai tài sản để chống “hạ cánh an toàn”, bảo vệ người chống tham nhũng...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận, tham nhũng là nội dung lần nào tiếp xúc cử tri cũng được đề cập. Đảng, nhà nước cũng quyết tâm rất cao với nhiều biện pháp từ xây dựng luật, cơ chế chính sách, quy định những điều cấm Đảng viên không được làm, thành lập các Ban, bộ phận chuyên trách chống tham nhũng… Nhờ đó, tham nhũng đã được đẩy lùi một bước nhưng vẫn còn rất nhức nhối.
Tham nhũng, như Tổng Bí thư khái quát, hiện diễn ra theo hai cực, một cực thì phát hiện chậm, kéo dài, thông tin ban đầu tưởng như to bằng con voi, khi xử lại thành… đuôi chuột. Một cực khác thì đồng diễn ở bên dưới như ngứa ghẻ rất khó chịu. Tổng Bí thư nhắc lại ví dụ đã từng đề cập, người dân ra đến xã, phường cũng đã bị đòi hỏi có bôi trơn, lót tay nếu không thì không được việc…
“Tệ tham nhũng nguy hiểm và khó chịu đã thành khá phổ biến và thành đường dây rồi, chứ không phải chỉ một người ăn mảnh một mình, như chúng tôi hay nói là các nhóm cấu kết với nhau, rất khó xử” – Tổng Bí thư thừa nhận.
Phân tích bản chất của tham nhũng tồn tại cùng xã hội, còn quyền lực là còn tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, cần có cơ chế trị tận gốc, dù không dễ.
Nhấn mạnh các biện pháp "phòng", Tổng Bí thư cũng nhắc đến số “đại án” tham nhũng mà Ban Chỉ đạo PCTNT TƯ, Ban Nội chính TƯ đưa vào diện giám sát, chỉ đạo chặt chẽ. “Sắp tới sẽ xử nhiều vụ lớn, bà con hãy chờ xem” – người đứng đầu Đảng nói.
Tổng Bí thư nêu cụ thể, vừa qua cơ quan chức năng đã xét xử hai vụ, tuyên hai án tử hình, nhiều cán bộ nhận án hàng chục năm tù. Hỏi ý kiến đánh giá của cử tri xem như vậy là nặng hay nhẹ, Tổng Bí thư cũng thông tin thời gian tới sẽ xử tiếp 8 vụ lớn, từ vụ bầu Kiên đến Dương Chí Dũng.
Ngoài ra, theo Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ, 7 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cũng đã phát hiện thêm và “sẽ đưa ra xử hơn chục vụ nữa”.
Tổng bí thư cũng khẳng định sẽ hạn chế tình trạng án treo hoặc chỉ xử phạt hành chính.
P.Thảo