1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủy điện gây thiệt hại thì phải đền bù chứ không phải ban ơn!

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, Đà Nẵng chiều 2/12, Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh đồng ý với nhiều ý kiến cử tri cho rằng, thủy điện xả lũ gây ngập lụt thiệt hại cho người dân thì phải đền bù chứ không phải hỗ trợ, ban ơn.

Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri Q.Sơn Trà, Đà Nẵng chiều 2/12
Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri Q.Sơn Trà, Đà Nẵng chiều 2/12

Theo cử tri Nguyễn Quang Thảo (P. An Hải bắc, Q. Sơn Trà), thủy điện cứ đua nhau xả lũ là người dân lại "lãnh đủ". Người dân vùng hạ lưu khi mưa lớn kết hợp với xả lũ là phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, khổ cực. Ông Thảo nói: “Trước các cụ nói thượng điện tích thủy, hạ điện than; chừ bà con lại có câu thượng điện xả lũ, hạ điện than. Tôi nghĩ Quốc hội có nghị quyết rất quan trọng là dừng 400 dự án thủy điện là tốt rồi. Nhưng tôi đề nghị cần phải rà soát lại cả những dự án đã và đang sử dụng. Miền Trung chúng ta là dân đau khổ nhất vì rất nhiều thủy điện. Giá điện có thể tăng, dân thành thị, các cơ sở sản xuất có thể chấp nhận giá điện tăng; nhưng người dân chịu ngập lũ hàng năm do ảnh hưởng hoạt động của thủy điện phải được đền bù thiệt hại. Người dân vùng ngập lũ đã phải chịu hy sinh để phát triển thủy điện, tích điện dùng thì sự hy sinh của họ phải được đền bù”.
 
Cử tri Bùi Thị Trí cũng nêu kiến nghị cần quản lý hoạt động của các thủy điện một cách hợp lý, khoa học, chứ cứ thấy thủy điện gây thiệt hại cho dân mà không thấy bồi thường.

Cử tri Bùi Thị Trí: Thấy thủy điện gây thiệt hại chứ chưa thấy đền bù
Cử tri Bùi Thị Trí: Thấy thủy điện gây thiệt hại chứ chưa thấy đền bù

Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh đồng tình với ý kiến của cử tri và cho rằng phải trích thu nhập từ việc bán điện để đền bù thiệt hại cho người dân vùng ngập lũ. Ông Thanh thẳng thắn chỉ ra thực tế: "Nhiều nơi làm thủy điện tham lam tích nước, để tích lũy điện năng, không chịu xả đập; tới khi mưa lớn, sợ vỡ đập lại xả lũ gây thiệt hại cho người dân thì rõ ràng phải đền bù, chứ không phải hỗ trợ, ban ơn. Ở nhiều nước, gây thiệt hại cho dân như rứa là dân họ kiện ra tòa ngay đó".

Người dân vùng hạ du đã chịu nhiều hy sinh vì thủy điện
Người dân vùng hạ du đã chịu nhiều hy sinh vì thủy điện

Về vấn nạn tai nạn giao thông, cử tri kiến nghị đưa giáo dục an toàn giao thông vào nhà trường một cách thực tiễn sâu sắc chứ không chỉ là lý thuyết, hình thức. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng bên cạnh việc giáo dục ý thức cần phải có chế tài xử phạt nặng. Giống như ở Đà Nẵng lâu nay, cứ đua xe là tịch thu xe đem phát mãi lấy tiền thêm vào ngân sách lo cho người nghèo. Vậy là giảm đua xe hẳn.

Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri chiều nay, ông Thanh đề nghị xem xét việc giải quyết ngay chế độ thâm niên nhà giáo cho một trường hợp cụ thể là cử tri Ngô Thị Phương Lan, nguyên nhà giáo đã nghỉ hưu từ năm 2009. Bà Lan đã có hơn 28 năm công tác tại trường học, sau đó được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục quận hơn 1 năm trước khi nghỉ hưu. Khi có QĐ 52/2013, bà Lan có làm tờ khai đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thâm niên nhà giáo nhưng không được giải quyết với lý do chức vụ của bà trước khi nghỉ hưu là chuyên viên Phòng Giáo dục. Theo cử tri này, giải quyết theo căn cứ như vậy là quá thiệt thòi cho những trường hợp tương tự.

Nhiều ý kiến cử tri cũng được đại diện đại biểu Quốc hội tiếp nhận như giá cả các mặt hàng thực phẩm, giá xăng, giá gas… tăng cao và bất hợp lý; các căn cứ bệnh lý xác nhận nạn nhân chất độc da cam và việc giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cho đối tượng này còn chậm; công tác chỉnh trang đô thị chưa đồng bộ khiến nhiều khu vực dân cư bị ảnh hưởng…

Khánh Hiền