1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vấn đề kinh tế trong tuần:

Thủ tướng nói về “tự cường”; Câu chuyện “thần kỳ” của kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục khẳng định Việt Nam “tự cường” khi đối mặt với những thách thức toàn cầu và sẽ tìm kiếm nhiều hơn nữa các hợp tác thương mại. Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Hà Nội tuần qua, các học giả nước ngoài đã bày tỏ ấn tượng về câu chuyện “thần kỳ” của kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc
Thủ tướng khẳng định Việt Nam muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc

Thủ tướng: Việt Nam sẽ tìm hướng đi mới ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

“Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển”, Thủ tướng trả lời phỏng vấn của Bloomberg và khẳng định Việt Nam muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng cho biết, điều quan trọng với Việt Nam là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và giữ ổn định đời sống cho 96 triệu người dân trong nước. Ông liên tục nói Việt Nam “tự cường” khi đối mặt với những thách thức toàn cầu và sẽ tìm kiếm nhiều hơn nữa các hợp tác thương mại với các nước ngoài 12 FTA đã hoàn thành.

“Chúng tôi phải dựa vào sức mạnh nội tại, giải quyết những vấn đề bên trong để vượt qua mọi trở ngại và duy trì đà tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Học giả nước ngoài tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ấn tượng câu chuyện “thần kỳ” của kinh tế Việt Nam

“Ngày nay Việt Nam là một trong những ngôi sao trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Tốc độ phát triển kinh tế từ 6-7%, giá trị xuất khẩu tương đương giá trị GDP. Bất kỳ sản phẩm nào từ giày thể thao Nike cho tới điện thoại Samsung đều được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này”, học giả Peter Vanham viết trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu Brookings, sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam có thể được giải thích bởi 3 lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đã nắm bắt lợi thế của tự do hóa thương mại. Thứ hai, Việt Nam đã kết hợp tự do hóa bên ngoài với cải cách bên trong thông qua việc dỡ bỏ các rào cản và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào vốn và nhân lực, chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.

Thủ tướng hỏi Facebook, Google băn khoăn điều gì khi đầu tư ở Việt Nam?

Tại buổi đối thoại với 20 Tập đoàn toàn cầu bao gồm: Standard Chartered, Google, Facebook, Apple, Bloomberg, GE, Hitachi, Temasek, ThaiBev… và một số tập đoàn lớn trong nước, diễn ra trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu với hàng loạt câu hỏi.

“Ai sẽ giúp các nhà đầu tư là người dự tính sẽ đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu lên đến 1 tỷ USD trong 3-5 năm tới? Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Trong những người đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng mở rộng đầu tư? Các nhà đầu tư sẵn lòng mở rộng đầu tư hay không? Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?”.

Thủ tướng dành thời gian đối thoại với các tập đoàn trong và ngoài nước
Thủ tướng dành thời gian đối thoại với các tập đoàn trong và ngoài nước

Chia sẻ mong muốn lắng nghe “điều gì làm quý vị tâm đắc nhất và có điều gì mà quý vị cho là băn khoăn nhất khi đầu tư làm ăn ở Việt Nam?”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẽ có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những vấn đề tồn tại.

Ngân sách khó khăn, lấy đâu 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam?

Trao đổi với Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng ngân sách nhà nước còn khó khăn, nợ công cao… nếu thực hiện dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn tới 58 tỷ USD, phần lớn vốn đi vay sẽ tạo gánh nặng, áp lực rất lớn cho ngân sách.

“Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, tổng vốn đầu tư cho dự án là 58,7 tỷ USD. Quy mô GPD năm 2017 nước ta mới hơn 220 tỷ USD. Hết năm 2015, nợ công Việt Nam hơn 118,45 tỷ USD. Khi bớt áp lực nợ công, quy mô GDP gấp 10 lần số vốn đầu tư dự án và thu nhập bình quân đầu người của người dân trên 10.000 USD thì có thể tính tới làm dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam”, vị chuyên gia bình luận.

Vụ Đông Á Bank bốc hơi 3.500 tỷ đồng: Vũ "nhôm" chưa khắc phục đồng nào

Cơ quan điều tra vừa hoàn tất điều tra bổ sung vụ án bốc hơi 3.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank, DAB) để đề nghị truy tố 26 bị can.

Khoản tiền hơn 203 tỷ đồng chưa được phía ông Phan Văn Anh Vũ nộp khắc phục hậu quả
Khoản tiền hơn 203 tỷ đồng chưa được phía ông Phan Văn Anh Vũ nộp khắc phục hậu quả

Khi trả hồ sơ, VKS yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, kê biên tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả vì ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (Công ty Bắc Nam 79) có xin gặp gia đình để bàn bạc, trao đổi và thống nhất nộp khắc phục 200 tỷ đồng và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi liên quan đến mua cổ phần DAB.

Ngày 16/8, Cơ quan điều tra cho ông Vũ “nhôm” gặp vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền và anh trai Phan Văn Anh Tuấn, cuộc gặp kết thúc với thống nhất là Công ty Bắc Nam 79 nộp tiền mặt để khắc phục hậu quả trên 203 tỷ đồng nói trên. Tuy nhiên đến đầu tháng 9 này Công ty Bắc Nam 79 vẫn chưa nộp số tiền này.

Thanh toán Nhân dân tệ trên đất Việt Nam: Ngang nhiên vi phạm, thủ đoạn tinh vi

Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính mới đây đã thẳng thắn đề cập quan điểm về các “tour du lịch 0 đồng”. Bộ Tài chính nêu rõ việc khách hàng ngang nhiên thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp. Đó là sử dụng thẻ do ngân hàng Trung Quốc phát hành quẹt qua máy POS do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không cần đăng ký với ngân hàng Việt Nam”. Hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay do các đối tượng Trung Quốc cung cấp cho du khách Trung Quốc.

“Đây là các thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với các phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các điểm bán hàng”, Bộ Tài chính đánh giá và cho rằng đây là vấn đề cần được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính sắp tới sẽ thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành tại những địa bàn trọng điểm, nếu phát hiện có sai phạm về thuế nghiêm trọng sẽ chuyển công an xử lý.

Bích Diệp (tổng hợp)

Thủ tướng nói về “tự cường”; Câu chuyện “thần kỳ” của kinh tế Việt Nam - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm