Câu trả lời "dí dỏm" của Thủ tướng với nữ tỷ phú USD của Việt Nam

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính vì Chính phủ đã hành động, nên có những doanh nghiệp tư nhân rất thành công. Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hành động để có thêm nhiều người thành công nữa trên khắp đất nước Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hành động để có thêm nhiều người thành công.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hành động để có thêm nhiều người thành công.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN 2018) diễn ra chiều nay (13/9), nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air chia sẻ: “Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là những ý chí, mong muốn, quyết tâm của Chính phủ, làm sao để có thể lan tỏa mạnh mẽ xuống các cấp cơ sở, xuống tới đời sống doanh nghiệp, xuống tới nhu cầu của cộng đồng, nền kinh tế, người dân và thị trường".

"Chúng tôi mong chờ những kế hoạch mới, Thủ tướng có thể chia sẻ tới đây, doanh nghiệp chúng tôi có thể trông đợi ở những chương trình, hành động cụ thể nào hơn nữa để có thể cảm nhận được kết quả thiết thực hơn nữa tới từ ý chí, tinh thần này”, bà Thảo đặt câu hỏi.

Đáp lại câu hỏi của bà Thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chính phủ đã hành động, nên Sovico do chồng chị Thảo (Nguyễn Thị Phương Thảo - PV) làm chủ tịch rất thành công, chúng ta sẽ tiếp tục hành động để có thêm nhiều người thành công nữa trên khắp đất nước Việt Nam”.

Đối thoại với các doanh nghiệp tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại cuộc họp vào tháng 10 tới đây.

"Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ "là trợ lực cho kinh tế Việt Nam trong xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư trong, ngoài nước, nhưng đi kèm đó cũng là những thách thức không nhỏ", Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, ở góc độ ngược lại, hiệp định này cũng đem lại khá nhiều thách thức cho Việt Nam. Trước tiên là Chính phủ cần sửa đổi một số thể chế pháp luật để thích ứng với CPTPP. Hai là phát triển sản phẩm đủ chất lượng cạnh tranh trong thị trường rộng lớn của 11 nước thành viên. Cuối cùng là phải nâng cao chất lượng, năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra và được bàn thảo sôi nổi.

"Chúng tôi tin tưởng với nỗ lực của Việt Nam và các nước thành viên, CPTPP sẽ thành công", ông bày tỏ tin tưởng.

Tại hội nghị, trước câu hỏi của một đại diện Việt Nam về việc làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm ra con đường tốt nhất cho mình, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende chia sẻ: "Chúng ta cũng có thể nhận thấy ngày hôm nay có khoảng 1.200 đại diện từ rất nhiều tập đoàn lớn thế giới có mặt tại đây tham dự VBS. Chính điều này cho tất cả mọi ng thấy Việt Nam là một thị trường thuận lợi như thế nào với các nhà đầu tư nước ngoài".

Theo ông Borge Brende, trong bối cảnh CMCN 4.0, doanh nghiệp cần cải thiện mạnh mẽ hơn, sử dụng nhiều công nghệ mới hơn để áp dụng công nghệ mới. "Sẽ không có nước Việt Nam mới nhưng có công nghệ mới, quy trình mới, sản phẩm xuất mới và hi vọng tất cả các nỗ lực này thành động lực thành công của chúng ta trong tương lai", ông nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch WEF cũng cho rằng, tinh thần kinh doanh cũng hết sức quan trọng khi có người trẻ nắm bắt cơ hội, xây dựng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành doanh nghiệp khổng lồ.

"Ví dụ Apple, Amazon, Google… 20 năm trước không phải công ty toàn cầu nhưng hiện nay tổng doanh thu của họ đều hơn 100.000 tỷ USD. Đó là động lực quan trọng cho doanh nghiệp phát triển. Và chắc chắn chúng ta không thể phát triển nếu tồn tại độc lập, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh", Chủ tịch WEF nói thêm.

Phương Dung

Câu trả lời "dí dỏm" của Thủ tướng với nữ tỷ phú USD của Việt Nam - 2