Thủ tướng: "Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng"

(Dân trí) - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất nhưng muốn làm bạn với người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời, chúng tôi có khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng, không thua kém gì với bạn bè trên thế giới".


Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đủ tự tin để làm bạn với người giỏi nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đủ tự tin để làm bạn với "người giỏi nhất".

Việt Nam muốn làm bạn với người giỏi nhất!

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao thương mại tự do, toàn cầu hoá.

"30 năm đổi mới, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa hội nhập. Tự do hóa đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, dù đã tham gia nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều việc để làm. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra thành công của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia khâu đơn giản như lắp ráp sản phẩm.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đóng vai trò kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.

"Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ mong các nhà đầu tư cởi mở hơn, tạo cơ hội nhiều hơn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam", Thủ tướng nói.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh: "Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất nhưng muốn làm bạn với người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời, chúng tôi có khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng, không thua kém gì với bạn bè trên thế giới".

Thủ tướng chia sẻ, thời gian qua Việt Nam đã có tăng trưởng kinh tế luôn duy trì trong nhóm cao của thế giới, có tiến bộ rất lớn về môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành công xưởng thế giới và là một quốc gia có độ kinh tế cao, đạt trên 200% GDP. Cùng với đó là sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân.

"Chúng tôi hiểu rằng khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, các doanh nghiệp phải phấn đấu cao hơn, sáng tạo mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách trong khu vực, đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thắng lợi của các bạn chính là thắng lợi của Chính phủ", Thủ tướng nói.

"Việt Nam không tự mãn"

Phát biểu trước đó, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua. Ông dẫn số liệu thống kê cho biết, kể từ lần gần nhất WEF tổ chức hội nghị tại Việt Nam vào năm 2010, GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi, xuất khẩu tăng gần 3 lần. Việt Nam phát triển tiếp tục vững chắc, dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 7%, thị trường chứng khoán tăng gấp đôi trong gần 2 năm qua, lạm phát thấp và ổn định, FDI tăng.

"Đặc biệt, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam đang giảm rất nhanh. Nếu như năm 1990, có khoảng 50% người dân Việt Nam sống trong đói nghèo thì ngày nay tỷ lệ này đã giảm xuống 3%. Tôi xin chúc mừng Thủ tướng và Việt Nam vì thành tựu này", ông nói.

Chủ tịch WEF cho rằng, Việt Nam là một minh chứng thành công trong việc cải thiện tỷ lệ đói nghèo nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam không hề có sự tự mãn, thậm chí vẫn đang tiếp tục cải cách để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.

"Việt Nam đang tiến bộ và Chính phủ đang có nỗ lực cải thiện tình hình. Điều khó là khi đối mặt với sóng gió, thay đổi, đổi mới trong bối cảnh CMCN 4.0, quốc gia nào tận dụng được sẽ là quốc gia thành công trong tương lai. Đấy là lý do Việt Nam không tự mãn mà vẫn tiếp tục có sự cải thiện", ông Borge Brende nói thêm.

Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hai năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc cách mạng này.

Theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

"Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc nói thêm.

Theo ông Lộc, bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.

“Hy vọng các doanh nghiệp quốc tế hãy đến Việt Nam, hãy “nắm chặt tay” các doanh nghiệp Việt Nam để cùng xây dựng nên các chuỗi giá trị có trách nhiệm toàn cầu”, ông Lộc kết thúc bài phát biểu.

Phương Dung

Thủ tướng: "Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng" - 2