Thủ tướng hỏi Facebook, Google băn khoăn điều gì khi đầu tư ở Việt Nam?

(Dân trí) - Trong buổi gặp mặt với hàng loạt tập đoàn toàn cầu, gồm cả Google, Facebook, Thủ tướng chia sẻ mong muốn lắng nghe “điều gì làm quý vị tâm đắc nhất và có điều gì mà quý vị cho là băn khoăn nhất khi đầu tư làm ăn ở Việt Nam?".

Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn toàn cầu. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn toàn cầu. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Tại buổi đối thoại với 20 Tập đoàn toàn cầu bao gồm: Standard Chartered, Google, Facebook, Apple, Bloomberg, GE, Hitachi, Temasek, ThaiBev… và một số tập đoàn lớn trong nước, diễn ra trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu với hàng loạt câu hỏi.

"Ai sẽ giúp các nhà đầu tư là người dự tính sẽ đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu lên đến 1 tỷ USD trong 3-5 năm tới? Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Trong những người đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng mở rộng đầu tư? Các nhà đầu tư sẵn lòng mở rộng đầu tư hay không? Chính phủ cần điều chỉnh điều gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?", Thủ tướng nói.

Chia sẻ mong muốn lắng nghe “điều gì làm quý vị tâm đắc nhất và có điều gì mà quý vị cho là băn khoăn nhất khi đầu tư làm ăn ở Việt Nam?”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẽ có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những vấn đề tồn tại.

“Ngoài vốn, các bạn có ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam trước mắt và lâu dài không? Trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, công nghiệp 4.0, giáo dục, y tế, bảo hiểm, nông nghiệp… không chỉ cần vốn đầu tư, chúng tôi muốn nghe ý tưởng của các bạn đối với sự phát triển của Việt Nam vì các bạn là người giỏi nhất mới kinh doanh thành công nhất”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Tại buổi gặp mặt, bà Judy Hsu, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN và Nam Á, Tập đoàn Standard Chartered cho biết, sau 15 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, ngân hàng này cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận để Ngân hàng mở chi nhánh thứ 4 vào năm ngoái tại TPHCM.

Ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Facebook, Phụ trách chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam và muốn tham gia vào tầm nhìn của Chính phủ về quốc gia số, cam kết tham gia vào 4 lĩnh vực là công dân số, kinh tế số, chính phủ số và kết nối số. Ông Simon Milner cũng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up.

Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Thai Beverage (Thaibev) cho biết, năm ngoái đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco và cam kết phát triển thương hiệu Sabeco ra thế giới, giúp quảng bá cả văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Alex Dimitrief, Chủ tịch Kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức tăng trưởng toàn cầu, Tập đoàn GE cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu. "Tập đoàn hoạt động rất thành công ở Việt Nam và mong là có thể kỷ niệm 125 năm có mặt ở Việt Nam”, ông nói.

Đại diện Công ty Hitachi, ông Yasuo Tanabe, Phó Chủ tịch cấp cao cũng cho biết, sẽ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực internet kết nối vạn vật cho ngành chế tạo. Đồng thời, mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo môi trường thương mại thông thoáng, cởi mở.

Phương Dung

Thủ tướng hỏi Facebook, Google băn khoăn điều gì khi đầu tư ở Việt Nam? - 2