Singapore, Hồng Kông là “điểm nóng tiền bẩn” được ưa thích tại châu Á

Hương Vũ

(Dân trí) - Singapore và Hồng Kông được đánh giá là những điểm đến phổ biến nhất của các phi vụ rửa tiền tại châu Á.

Singapore, Hồng Kông là “điểm nóng tiền bẩn” được ưa thích tại châu Á - 1

Singapore và Hồng Kông là hai điểm nóng hàng đầu châu Á về giao dịch đáng ngờ. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, kết quả điều tra của Tổ chức Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy, nhóm ngân hàng tại Singapore bao gồm DBS Group Holdings Ltd., Oversea-Chinese Banking Corp và United Overseas Bank đã xử lý các giao dịch “đáng ngờ” có giá trị khoảng 4,4 tỷ USD cùng với khoảng 4,1 tỷ USD dòng tiền đáng ngờ thông qua các ngân hàng tại Hồng Kông (Trung Quốc) bởi các ngân hàng HSBC Holdings Plc và Deutsche Bank AG.

Hai đối tượng “tình nghi” xếp sau Singapore và Hồng Kông về giá trị các giao dịch đáng ngờ ở châu Á lần lượt là Trung Quốc đại lục và Ấn Độ.

Báo cáo của ICIJ được lập ra dựa trên một lượng lớn dữ liệu rò rỉ được gửi tới trang tin BuzzFeed News của Mỹ.

Các tài liệu nêu chi tiết hơn 2.000 tỷ USD từ năm 1999 đến năm 2017 đã bị các nhân viên tổ chức tài chính đánh dấu là có thể tồn tại hoạt động rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm khác.

Những ngân hàng tham gia giao dịch kiếm lợi nhuận từ “những bên nguy hiểm và có thế lực” ngay cả khi Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên các tổ chức này, theo nội dung báo cáo dựa trên Hồ sơ FinCEN.

Singapore, Hồng Kông là “điểm nóng tiền bẩn” được ưa thích tại châu Á - 2
Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2017, tổng các giao dịch đáng ngờ trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD đã được thực hiện tại nhiều tổ chức tài chính thế giới. Ảnh: Getty

Phản ứng trước báo cáo này, ngày 22/9, Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết đang “kiểm tra kỹ lưỡng” các thông tin được tiết lộ và “sẽ có hành động thích hợp dựa trên kết quả kiểm tra”.

Về phía cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông cho biết, họ đã nắm thông tin liên quan Hồ sơ FinCEN nhưng không bình luận về từng trường hợp cụ thể.

Khuôn khổ để đối phó rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố của thành phố này “hiệu quả và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”, theo người phát ngôn Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông.

Cổ phiếu của HBSC bị ảnh hưởng xấu bởi những tiết lộ đã thêm vào một loạt tai ương cho HSBC, đẩy ngân hàng lớn nhất châu Âu xuống mức giá thấp nhất trong hơn hai thập kỷ.

Các ngân hàng ở Singapore cũng trượt dốc, cả OCBC và UOB đều khẳng định cơ chế phát hiện dòng tiền bất hợp pháp của mình “rất hiệu quả” và cho biết đang tiếp tục nâng cấp công nghệ để phát hiện rửa tiền.

UOB cho biết luôn tuân thủ “mọi quy định pháp luật hiện hành tại các quốc gia mà ngân hàng hoạt động”.

Trong tuyên bố của mình gửi đến giới truyền thông, ngân hàng DBS cũng cho biết, họ không bao giờ chấp nhận có những đối tượng xấu lạm dụng hệ thống tài chính, tuy nhiên nhìn chung rất khó để từ chối các khoản tiền giao dịch trên hệ thống trừ khi có quy định rõ ràng đối với một số chủ tài khoản ngân hàng.