Các công ty “bình phong” của Anh dính líu đến 52 vụ rửa tiền

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các công ty “bình phong” của Anh có dính líu đến 52 vụ bê bối rửa tiền với giá trị lên tới 80 tỷ bảng Anh (gần 2.390 nghìn tỷ đồng) trong suốt 14 năm qua.

766 công ty Anh bị cáo buộc tham gia vào 52 vụ rửa tiền có giá trị tới 80 tỷ bảng Anh. (Nguồn: Policy Exchange)
766 công ty Anh bị cáo buộc tham gia vào 52 vụ rửa tiền có giá trị tới 80 tỷ bảng Anh. (Nguồn: Policy Exchange)

Tờ Economic Times cho biết, trốn thuế và tội phạm tài chính đã trở thành chủ đề nóng của chương trình nghị sự quốc tế trong những ngày gần đây khi Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hồ sơ Paradise Papers tiết lộ về các khoản đầu tư đáng ngờ của nhiều tập đoàn và nhân vật nổi tiếng.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, không phải chỉ những đất nước nhỏ bé, ít người biết đến mới được sử dụng để che giấu dòng tiền bất hợp pháp.

Đáng nói, tổ chức này cho biết Anh Quốc là một liên kết quan trọng trong nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong những năm gần đây.

Những đối tượng lừa đảo hay tham nhũng trên toàn thế giới thường gửi tiền thông qua các công ty đã đăng ký ở Anh vì chúng có vẻ hợp pháp hơn là các công ty ở những “thiên đường thuế”.

Theo đó, Cục quản lý công ty của Anh là cơ quan ghi nhận hồ sơ của các công ty nước ngoài của Anh, tuy nhiên, cơ quan này có tính bảo mật kém và không có các nguồn lực để xác minh thông tin đã được nộp cho họ.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã phát hiện ra rằng một nửa trong số 766 công ty bị cáo buộc tham gia vào các vụ rửa tiền thì chỉ có 8 công ty có trụ sở tại Anh.

“Về mặt tài chính, những vụ bê bối này có thể có giá trị lên tới 80 tỷ bảng Anh hoặc hơn và trở thành mối đe dọa cho sự ổn định tài chính của toàn bộ nền kinh tế. Các thiệt hại cho các nạn nhân của những tội ác này vẫn đang được tính”, báo cáo cho biết.

Theo Economic Times, Bộ Tài chính Anh từ chối bình luận về thông tin trên còn Chính phủ Anh thì thường xuyên tuyên bố nước này là quốc gia đi đầu trong các nỗ lực ngăn chặn các dòng tiền phi pháp.

Hồ sơ Paradise Papers gồm 13,4 triệu văn bản, đa số là tài liệu về các khách hàng của công ty luật Appleby đặt trụ sở tại quần đảo Cayman và Bermuda; cùng hai công ty luật Estera và Asiaciti Trust.

Các tài liệu thu được đã công bố những cách thức trốn thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới. Trong đó, có tên của 120 chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới, với hình thức giấu tiền được thực hiện qua một loạt khoản đầu tư vào các “công ty bình phong” đặt ở nước ngoài.

Hồng Vân (Tổng hợp)