PNTR: "Việt Nam lại bị bắt làm con tin"

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson nói như thế khi đánh giá sự kiện Hiệp định thương mại song phương (BTA) giữa hai nước đã bị "bán kèm" tại Quốc hội cách đây 5 năm cùng với Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Jordan. Và nay là dự luật PNTR

Dự luật bình thường hoá thương mại vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) lại bị "bắt làm con tin" khi được đưa ra xem xét theo kiểu "cả gói" với hai FTA giữa Hoa Kỳ với Oman (lại một nước Vùng Vịnh) và Peru. Việc đưa ra một "package" (cả gói) như hiện nay rõ ràng làm chậm lại việc bỏ phiếu thông qua PNTR cho Việt Nam.

Ngay cả những người trước đây khá lạc quan vào triển vọng PNTR như Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ (USVTC) Ginny Foote, hay Chủ tịch Amcham Việt Nam O'Dore, cũng biểu lộ "những thoáng nghi ngờ" khả năng thông qua PNTR cho Việt Nam có thể phải lùi đến sau kỳ nghỉ tháng tám của Quốc hội?!

Tại sao là Oman và Peru?

Theo những người ủng hộ cho phương án này, phía hành pháp Mỹ đã hoàn tất FTA với hai nước kể trên (với Oman ký vào 19.1.2006 và với Peru ngày 12.4.2006) trước khi kết thúc đàm phán với Việt Nam, và vì vậy, cần được xem xét trước.

Trong "Chương trình Chính sách thương mại của Tổng thống Bush", trong 3 ưu tiên chính thì việc thúc đẩy FTA đứng thứ hai sau ưu tiên kết thúc vòng đàm phán Doha trước cuối năm nay.

Theo một chuyên gia về Mỹ của Bộ Ngoại giao, Oman và Peru có những vị trí khá quan trọng trong chính sách của cường quốc này. Mỹ coi Peru là "sân sau", còn Oman là "đồng minh".

Trong quan hệ giữa Mỹ và Peru, Mỹ cần tranh thủ Peru vì khu vực Mỹ la tinh đang có xu hướng ngả theo cánh tả như Venezuela, Bolivia…. FTA với Peru một khi được Quốc hội phê chuẩn sẽ có tác dụng gây sức ép với Ecuador và Colombia nhanh chóng kết thúc đàm phán FTA với Mỹ.

Còn với Oman, từ năm 1980 đến nay Mỹ và quốc gia vùng Vịnh này vẫn giữ hiệp định cho phép Mỹ được tiếp cận các cơ sở quân sự của Oman, nhất là trong hai cuộc chiến vùng Vịnh vừa qua. Bên cạnh đó, Mỹ cần có Oman trong lộ trình thành lập khu vực mậu dịch tự do Trung Đông (UMEFTA) vào năm 2013.

UMEFTA nhằm tới mục tiêu cải cách kinh tế dưới ảnh hưởng của Mỹ, và, qua đó, ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Oman không thể không nhắc tới một chi tiết thú vị: Đại sứ Mỹ tại quốc gia này được coi là một thành viên trong nội các.

PNTR: Bất định?

Trên thực tế, FTA với Oman và với Peru đã được đưa ra xem xét tại Uỷ ban thương mại Thượng viện và Uỷ ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện trước cuối tháng 6/2006. Trong khi đó, theo thông tin mới nhất của bà Ginny Foote, chủ tịch USVTC, đến ngày 10/7 này mới đến lượt PNTR. Như vậy, lịch trình xem xét và thông qua dường như sẽ theo thứ tự: Oman, Peru và Việt Nam!

Một chuyên gia đàm phán BTA và WTO của Việt Nam nhận xét đây là thủ pháp "bán xương kèm với thịt",  "ép" Quốc hội thông qua FTA với hai nước trên trước. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai nước này đều xuất khẩu dầu khí và khoáng sản là chủ yếu, ít tạo ra cạnh tranh và nguy cơ mất việc làm ở Mỹ.

Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào cả hai nước trên đều tăng mạnh từ những năm '90, và việc FTA với hai nước này có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho hàng hoá Mỹ thâm nhập mạnh hơn vào thị trường nội địa của họ. Như vậy, việc thông qua FTA với hai nước này không hẳn là khó khăn như người ta vẫn lo ngại.

Điều người ta lo ngại nhất là sức ép về thời gian. Lịch trình vốn dày đặc của Quốc hội Hoa Kỳ từ nay đến đầu tháng 8 đã "chật kín" nên, với "giải pháp cả gói" này, và cơ hội cho "người xếp chót" PNTR trở nên "mỏng manh" hơn nhiều.

Ngoài ra, Peru mới bầu cử vào 4.6 vừa rồi và đến ngày 28.7 sắp tới, chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức để nhận "món quà FTA" từ Mỹ (theo thông lệ, rất ít khả năng Mỹ sẽ trao nó cho một chính phủ đang chờ mãn nhiệm). Kể từ thời điểm 28.7 đối với Peru cho đến 7/8 khi các nghị sĩ bước vào kỳ nghỉ, chỉ còn vỏn vẹn đúng 1 tuần cho việc thông qua PNTR.

Về lý thuyết vấn đề PNTR vẫn còn có cơ hội khi Quốc hội trở lại làm việc vào đầu tháng 9, nhưng trên thực tế kể từ đó đề tài "hot" nhất và gần như bao trùm lên toàn nước Mỹ là… chuyện bầu cử.

Những người ủng hộ quan hệ với Việt Nam về vấn đề PNTR nói riêng vẫn đang nỗ lực hết sức để làm nốt những phần công việc họ có thể làm, và vẫn… hy vọng. Nhưng thực sự Tổng thống Bush có mang đến Việt Nam "món quà WTO Membership" vào trung tuần tháng 11 như mong đợi hay không vẫn là một câu hỏi!

Theo Huỳnh Phan - Vũ Bình
Báo Sài Gòn tiếp thị

Dòng sự kiện: Quy chế PNTR