1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cựu binh Mỹ ủng hộ PNTR cho Việt Nam

(Dân trí) - Dự luật bình thường hoá thương mại vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) đang là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập WTO. Trung tuần tháng 6 vừa qua, dự luật này đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ xem xét, và đã được đông đảo các cựu binh ủng hộ.

Nhân dịp này, Dân trí xin trích giới thiệu bài viết của tác giả Thomas Jandl đăng trên Washington Times ngày 28/6/2006.

Viên đạn cuối cùng trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam được bắn ra vào tháng 4 năm 1975. Nếu Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được thông qua vào mùa hè này như nhiều người trông đợi, có nghĩa là Mỹ mất tới 32 năm - gần 1/3 thế kỷ - để khép lại bộ hồ sơ chiến tranh và đem lại cho mối quan hệ sự khởi đầu tươi mới.

Lịch sử cho thấy chưa có một bóng ma chiến tranh nào có thể tồn tại lâu và để lại nỗi ám ảnh nặng nề trong tâm lý của người Mỹ đến vậy. Ba thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ, Nhật và Đức đã thành những người bạn thân và là đồng minh thân cận nhất của nhau.

Vết thương chiến tranh Việt Nam nặng hơn nhiều. Điều gây kinh ngạc hơn là chính những người ủng hộ bình thường hóa lại ở trong nhóm người ta ít trông đợi nhất, đó là những cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, những người đã nhận ra rằng cuộc chiến đó với họ đã chấm dứt từ lâu.

Tại Quốc hội, dự luật về PNTR được bảo trợ bởi một số cựu chiến binh, trong đó ông John Mc Cain (Đảng viên Đảng Cộng hòa - bang Arizona), một cựu tù binh chiến tranh, đã nổi lên là một ủng hộ viên nhiệt thành cho nỗ lực của Việt Nam quyết giành được một vị trí bình thường trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Jan Scruggs, một cựu chiến binh bị thương trong chiến tranh Việt Nam - người sáng lập lên Quỹ Tưởng niệm những cựu chiến binh ở Việt Nam - phát biểu “Chính những cựu chiến binh có thế lực chính trị như các ông Mc Cain, John Kerry (đảng viên Đảng Dân chủ - bang Massachusset), Chuck Hagel (đảng viên Đảng Cộng hòa - bang Nebraska), là những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất nhằm giúp người dân Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Đối với cựu chiến binh, việc ủng hộ Việt Nam là điều không hề dễ dàng bởi tổn thương tâm lý thường luôn hiện hữu trong họ. Sedwick Tourison rời Việt Nam năm 1967 và không trở lại đó cho đến tận năm 2005: “Mối quan ngại lớn nhất đối với vợ chồng tôi là không biết liệu tôi có tồi tệ hơn sau chuyến đi này hay không.”

Một năm sau, Tourison giúp một Nhà xuất bản Việt Nam có được bản quyền để ấn hành một số sách của phương Tây ở Việt Nam. Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc đối với một đất nước mà cách đây chỉ vài năm còn chưa thừa nhận bản quyền.

Ông Tourison nói, đây là sự thay đổi do việc hội nhập với thế giới và nhận thức được rằng hội nhập sẽ mang lại những lợi ích to lớn nhưng cũng đòi hỏi phải chịu trách nhiệm. Việc can dự cũng làm cho các cựu chiến binh, những người không thể quên đi quá khứ chiến tranh, khép lại cuộc chiến đó.

Tourison cho rằng nguyên nhân những tổn thương nằm ở chỗ “Chúng tôi không chiến thắng trở về. Chúng tôi không quen thất trận về nhà. Vì vậy, với một số người thì cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến tận hôm nay. Nhưng với bản thân tôi và rất nhiều cựu binh khác, chúng tôi làm tất cả những gì có thể mang tính xây dựng để bỏ lại cuộc chiến phía sau mình.”

Bạch Ngọc Chiến (Theo Washington Times)

Dòng sự kiện: Quy chế PNTR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm