Mỹ sẽ “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với VN?

(Dân trí) - Về thực chất VN vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để được hưởng quy chế “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (trước đây gọi là Chế độ ưu đãi Tối huệ quốc) từ phía Mỹ, nhưng khi ngày gia nhập WTO cận kề, liệu có thể trông chờ một ngoại lệ?

 

Mới đây thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Max Baucus cùng 7 thành viên khác thuộc Ủy ban tài chính đã đệ trình lên Thượng viện luật mới cho phép VN hưởng chế độ “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (Permanent Normal Trade Relations - PNTR), song song với bản dự thảo trình lên Hạ nghị viện có chữ kí của 22 nhà lập pháp.

 

“Đây là bước tiến của Mỹ trong việc củng cố quan hệ với một trong những nền kinh tế mới nổi năng động và thành công nhất của khu vực châu Á trọng điểm” - trích lời ông Max Baucus.

 

Thực chất luật pháp Mỹ không cho phép các nước đang, hoặc đã từng theo chế độ xã hội chủ nghĩa được hưởng quy chế PNTR, nhưng trong bối cảnh VN đang tiến rất gần đến ngưỡng cửa WTO, một ngoại lệ là hoàn toàn có thể.

 

Cũng chính ông Baucus đảm bảo luật mới này sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua chậm nhất là tháng 8 tới, đồng thời khẳng định: quy chế PNTR cho VN sẽ là bước hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước trong suốt 15 năm qua.

 

Ngày 31/5 vừa qua, Mỹ và VN đã kí kết bản hiệp ước song phương về gia nhập WTO - bước mở đường quan trọng trong tiến trình VN tham gia tổ chức thương mại lớn nhất thế giới.

 

Nhiều nghị sĩ, Thượng viện cũng như Hạ viện, Đảng Dân chủ cũng như Đảng Cộng hòa, tỏ ra rất thiện chí với luật dự thảo mới.

 

Đại diện thương mại Susan Schwab khẳng định: hiệp ước song phương WTO sẽ thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế hiện đang diễn ra mạnh mẽ trong lòng VN.

 

Ngay cả những lãnh đạo cấp cao trong giới kinh doanh, đại diện cho 100 công ty Mỹ ở VN cũng có mặt tại Washington nhằm tăng thêm sức ép để luật PNTR được thông qua nhanh chóng.

 

Theo ông Walter Blocker, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại VN: “Gia nhập WTO sẽ thúc đẩy kinh tế VN tăng trưởng mạnh hơn, tạo nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng sở hữu trí tuệ, đồng thời mở rộng tự do hóa trong các lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng”.

 

 

Hải Minh

Theo AFP

Dòng sự kiện: Quy chế PNTR