Hạ viện Mỹ chưa sẵn sàng cấp PNTR cho Việt Nam?
(Dân trí) - Một nhóm nghị sỹ của cả hai viện Quốc hội Mỹ ngày 13/6, đã đệ trình dự luật yêu cầu trao cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Tuy nhiên, có nguy cơ văn kiện này sẽ không được đưa ra bỏ phiếu trước cuộc bầu cử bổ sung Quốc hội Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Phát biểu trước một nhóm vận động thương mại Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, nghị sỹ John Boehner (tiểu bang Ohio) cho biết, khó có khả năng các nhà làm luật Mỹ sẽ sớm bỏ phiếu thông qua các thoả thuận thương mại, đặc biệt là trong năm bầu cử này.
Ông Boehner giải thích rằng các cuộc thảo luận tiến tới bỏ phiếu thông qua hiệp định thương mại Trung - Mỹ từ năm 2005 đã làm cho nhiều nghị sỹ cảm thấy "mệt mỏi", vì thế hiện nay họ chưa sẵn sàng thông qua một thoả thuận thương mại mới vào trước tháng 11.
Tới nay, rất nhiều nhóm vận động thương mại ủng hộ thông qua dự luật cấp quy chế PNTR cho Việt Nam và đang thúc đẩy để thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội vào tháng 8 tới. |
Phát biểu của ông Boehner được đưa ra trong lúc Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab đang yêu cầu hai viện của Quốc hội thông qua Luật trao quy chế PNTR, mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong năm 2006. Điều này khiến cho nhiều người tỏ ý tin tưởng Hạ viện Mỹ sẽ xem xét để sớm cấp quy chế này.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Max Baucus (bang Montana) cho biết, ông sẽ thúc đẩy thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam trước khi Quốc hội Mỹ tạm nghỉ họp vào tháng 8/2006.
Tuy nhiên ông Boehner và nhiều nghị sỹ chủ chốt của đảng Cộng hoà không lên tiếng bác bỏ dự luật mới, nhưng cho biết hiện nay nó chưa được quyết định đưa vào chương trình nghị sự của Hạ viện Mỹ.
Trở ngại lớn đối với dự luật này là sự chống đối của giới chủ ngành công nghiệp dệt may Mỹ. Họ yêu cầu chính quyền Bush phải thương lượng một "điều khoản bổ sung", cho phép Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam nếu phát hiện Việt Nam gia tăng đột biến xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ.
Trong một bức thư gửi Đại diện thương mại Susan Schwab, một nhóm gồm 44 nghị sỹ đại diện cho các bang có ngành dệt may phát triển đã thúc giục Mỹ gây sức ép buộc Việt Nam phải chấp nhận "cơ chế dự phòng" như là một phần của thoả thuận chấp nhận cho Việt Nam gia nhập WTO.
Từ trước tới nay, có nhiều nghị sỹ đại diện cho các bang có ngành dệt may phát triển phản đối gần như toàn bộ các thoả thuận thương mại của Mỹ. Tuy nhiên cũng có một số ít người trong số đó - như hạ nghị sỹ đảng Cộng hoà Robin Hayes (bang Bắc Carolina) - đã hỗ trợ rất nhiều cho chính quyền Bush thông qua các thoả thuận thương mại.
Ngọc Nhàn (Theo Reuters)