Người Mỹ đặc biệt quan tâm tới PNTR cho Việt Nam
"Rất đông nghị sĩ lưỡng viện và đại diện các công ty hàng đầu Hoa Kỳ đứng chật Điện Capital để chúc mừng sự kiện mà nhiều người coi là dấu chấm hết thực sự của cuộc chiến tranh Việt Nam: Lễ đưa dự luật trao Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam ra trước Quốc hội Hoa Kỳ”.
Đó là những lời miêu tả buổi lễ của tác giả Thomas Jandl trong bài viết về sự kiện đặc biệt này trên tờ Washington Times ngày 22/6.
Sự ủng hộ rộng rãi
8 thượng nghị sĩ và 41 hạ nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bảo trợ cho dự luật trao PNTR cho Việt Nam. Các nhóm cựu chiến binh trên khắp nước Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt những lính Mỹ đã mất tích sau khi hai nước chấm dứt quan hệ thù địch.
Đại sứ Việt Nam Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ thứ hai của Việt Nam tại Washington từ khi kết thúc chiến tranh cách đây 31 năm, đã gọi PNTR là "bước cuối cùng tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai đất nước vì lợi ích của cả hai dân tộc. Nó là đỉnh cao của một quá trình dài gây dựng từ rất nhiều công sức và sự tin cậy".
Ấn tượng nhất là sự ủng hộ của giới doanh nhân. Có hẳn một liên minh lớn ủng hộ việc trao PNTR cho Việt Nam bao gồm các ngành ngân hàng, bảo hiểm và nhiều ngành dịch vụ khác, với kỳ vọng hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế của một thị trường nhiều tiềm năng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam, chẳng hạn, đang tăng trưởng rất nhanh và vô số công ty quốc tế đang ganh đua nhau để vào được thị trường nhiều lợi nhuận này. Nếu Việt Nam gia nhập WTO - một bước đi tất yếu sau quy chế PNTR - thì việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ có khả năng sẽ làm lợi cho những công ty có sức cạnh tranh cao của Hoa Kỳ. Liên minh ủng hộ trao PNTR cho Việt Nam cũng gồm cả những ngành công nghiệp thường bị cho là bị thua thiệt vì thương mại tự do.
Đại diện cho ngành nông nghiệp, hiệp hội những nhà sản xuất và những nhóm thương mại và bán lẻ đứng chật phòng Mansfield, ủng hộ nỗ lực của Việt Nam để trở thành một đối tác thương mại của Hoa Kỳ với đầy đủ quyền lợi, ưu đãi và cả trách nhiệm nữa...
Với ngụ ý thương mại là con đường hai chiều đem lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến đã nói vui rằng ông hy vọng "chúng ta có thể sớm ăn mừng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với rượu thượng hạng của California".
Hạ nghị sĩ Max Baucus (D-Mont) cũng nhấn mạnh ý tương tự khi ông nói: "Hôm nay chúng ta mở ra một trang sách mới trong quan hệ hợp tác. Tôi mong rằng các đồng nghiệp của tôi tại Hạ viện sẽ thông qua dự luật này vào trước dịp nghỉ tháng 8".
Đôi bên cùng có lợi
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, các sản phẩm của Hoa Kỳ đã có uy tín cao ở Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm liên tiếp đạt gần hai con số trong vòng một thập kỷ qua, Việt Nam là một nơi hứa hẹn cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
Thật không ngạc nhiên khi đã có hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ tham gia vào liên minh Việt Nam-Hoa Kỳ, ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO. Đối với đa số áp đảo gồm những nhóm lợi ích kinh tế cũng như các nhà ngoại giao quan tâm đến quan hệ chính trị, một kết quả bỏ phiếu tích cực cho PNTR là tối cần thiết.
Việc bình thường hóa chắc chắn đem lại lợi ích cho cả hai phía. Minh chứng là sự ủng hộ từ gần như tất cả các tổ chức kinh tế cũng như các tổ chức chính trị, tổ chức tìm quân nhân mất tích và kể cả tổ chức nhân quyền và tự do tôn giáo.
Mọi việc đã tiến triển từ khi bắt đầu quá trình bình thường hóa, và đa số tin rằng việc hoàn tất quá trình bình thường hóa sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh cho những vấn đề nói trên.
Theo Nguyên Hằng
Báo Thanh niên