Phương án tăng giá điện sẽ trình Thủ tướng quyết vào cuối tháng 2

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015. Một trong những ưu tiên của đợt tăng giá này là đáp ứng các chỉ tiêu tài chính của EVN.

EVN vẫn còn treo hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện
EVN vẫn còn "treo" hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Theo thông báo này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015.

Trong đợt tăng giá điện lần này, ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện, để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Trước đó, báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn này còn “treo” hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá. Trong khi đó, Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2015, EVN về cơ bản phải cân bằng được tài chính.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2015, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất phương án điều chỉnh giá điện phù hợp với điều kiện thực tế. Giá điện sẽ được nghiên cứu điều chỉnh tăng sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Cuối năm 2014, EVN từng có đề xuất tăng giá bán lẻ điện lên 9,5%. Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương. Và Bộ Công Thương phải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc.

Mức tăng 9,5% mà EVN đề xuất nằm trong khung giá đã được phê duyệt cho giai đoạn 2013-2015 (từ 1.437 đồng đến 1.835 đồng). Đến nay, giá điện đã không tăng trong vòng 18 tháng. Lần tăng giá điện gần nhất cho đến nay là vào ngày 1/8/2013 với mức tăng thêm 71,85 đồng.

Giải quyết khó khăn vướng mắc cho các dự án nhiệt điện phía nam

Bên cạnh đó, tại Thông báo lần này, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung của Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Bộ Công Thương được giao chuẩn bị tài liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2015 để xem xét, báo cáo Thường trực Chính phủ các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Các công trình nguồn và lưới điện cấp bách; đề xuất các cơ chế đặc thù cho phép áp dụng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn, lưới điện cấp bách trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công  suất 600 MW vào danh mục các nguồn điện cấp bách, thuộc Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành năm 2019 để bảo đảm cung cấp điện cho khu vực phía Nam. Bộ Công Thương tổng hợp vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách trong báo cáo Thường trực Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng được giao tập trung chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nhiệt điện khu vực phía Nam: Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Long Phú 1, Sông Hậu 1; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Từ năm 2015 không xuất khẩu than cám

Cũng theo văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo cho sản xuất điện trong các năm từ 2018 – 2020.

Đồng thời, chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, trong đó đề xuất sản lượng than khai thác ổn định, lâu dài, bảo đảm phát triển bền vững ngành than và cung cấp than ổn định cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác; trên cơ sở khả năng sản xuất than trong nước (khoảng 50 – 60 triệu tấn), đề xuất các nhà máy điện, các xí nghiệp công nghiệp hiện có và đang xây dựng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, chủng loại than, được đảm bảo cung cấp lâu dài; các dự án nhà máy điện than mới phải tính toán sử dụng than nhập khẩu.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo chưa có cơ chế hỗ trợ (năng lượng mặt trời, địa nhiệt…).

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Tăng giá điện từ 16/3