Lo EVN phá sản, Bộ Công Thương đang “thách đố và mặc cả” với dân?

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, trên cương vị là cơ quan quản lý điều hành, Bộ Công Thương phải bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như “không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện”!

Toàn cảnh buổi Hội thảo ngày 11/2
Toàn cảnh buổi Hội thảo ngày 11/2

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Hội thảo công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014: Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015-2016” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) diễn ra ngày 11/2 đã nhận được nhiều tham luận đáng chú ý của các chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam.

Bàn về câu chuyện điều hành giá điện, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM đã tỏ ra bức xúc và “nói hộ” doanh nghiệp, người tiêu dùng về những bất cập mà theo ông đang kìm hãm ngành điện phát triển.

Theo TS. Cung, trên cương vị là cơ quan quản lý điều hành, Bộ Công Thương lại bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Bộ đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp. Như vậy, “thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN” – ông Cung đánh giá.

Theo ông, cách thức hợp lý trước mắt đáng ra là Bộ phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện; phải tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện “bảo vệ lợi ích chung người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN; không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như ‘không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện’!”
 
Lo EVN phá sản, Bộ Công Thương đang “thách đố và mặc cả” với dân?

Phản bác lại những tuyên bố này, ông Cung bày tỏ quan điểm: “Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được, chứ không phải kéo theo sụp đổ ngành điện!”

Theo đề xuất của TS Nguyễn Đình Cung, về trung và dài hạn, phải tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. Còn liên quan đến điện, Bộ Công Thương phải tách làm 3: chính sách điện, sở hữu EVN và các đơn vị trực thuộc và cơ quan điều tiết điện lực quốc gia; thành lập thị trường cạnh tranh về điện.

Có mặt tại hội thảo, TS Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa các đơn vị trong Bộ Công thương đang có vấn đề, khiến cho việc điều hành, quản lý giá trở nên thiếu khách quan. Theo ông Doanh, Cục Quản lý cạnh tranh không thể tiếp tục vị thế như hiện nay. “Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh lại dưới quyền một Thứ trưởng, mà vị này lại là người từng được điều về EVN thì không ổn”, và theo ông, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ không thể hoạt động một cách thực sự và “đây là điều không bình thường”.

Còn theo PGS.TS Lê Xuân Bá, ông nhấn mạnh Nhà nước phải thay đổi quan điểm tư duy về vai trò Nhà nước trong kinh tế thị trường. Theo đó, Nhà nước cần phải cố gắng tôn trọng đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, ít nhất là 3 quy luật: cung - cầu, giá trị, và cạnh tranh.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM

Quản lý vận tải, xăng dầu: Áp đặt chỉ khiến thị trường méo mó, kém công bằng

Liên quan đến câu chuyện giá xăng giảm mạnh, liên tục và nhiều lần nhưng giá cước vận tải bị coi là không giảm tương ứng, theo TS Nguyễn Đình Cung, cách quản lý hiện nay là Bộ, Sở hai ngành giao thông và tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra giá; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá, nếu không sẽ bị phạt thích đáng; có người còn dọa rút giấy phép! Liệu cách quản lý thị trường như vậy là phù hợp?

Theo ông Cung, cách quản lý hành chính áp đặt này có lẽ không còn phù hợp mà chỉ càng khiến cho thị trường méo mó và kém công bằng hơn. Do vậy, cần xem xét, thay đổi tư duy và cách thức quản lý.

Ông Cung chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản là do cung cầu không có khả năng cân bằng trong ngắn hạn; thị trường kém, hoặc không có cạnh tranh. Mà nguyên nhân của các nguyên nhân trên chính là các rào cản gia nhập thị trường còn quá cao; doanh nghiệp mới không thể gia nhập thị trường dễ dàng; thị trường kém linh hoạt và năng động đủ tạo sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp hiện có. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện có ngầm thỏa thuận (chính thức hoặc phi chính thức) tương tự như cartel, không giảm giá cước vận tải.

Viện trưởng CIEM phân tích, vấn đề ở đây là cấu trúc thị trường và kiểm soát độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Công cụ quản lý là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền; không phải là kiểm soát, thanh tra giá; không phải là can thiệp và mệnh lệnh hành chính. Cơ quan thực hiện đáng ra phải là Cục quản lý cạnh tranh chứ không phải Cục quản lý giá. Bên cạnh đó, còn phải có sự tham gia của báo chí và các tổ chức xã hội dân sự.

Chỉ ra những tồn tại nói trên, theo TS Nguyễn Đình Cung, đây là thời điểm và cơ hội để đổi mới thể chế thiết lập trật tự thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Phải thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường như cơ quan giám sát điện, cơ quan kiểm soát độc quyền.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”