TPHCM:
Tiền điện tăng vọt, lỗi do nắng nóng?
(Dân trí) - Cầm hóa đơn tiền điện tháng 5, chị Thanh “toát mồ hôi” khi thấy số tiền tăng lên gần gấp đôi so với tháng trước. Rất nhiều hộ gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự như chị Thanh, khi tiền điện đột nhiên tăng vọt.
“Hoa mắt” với tiền điện
Tương tự là trường hợp nhà chị Đỗ Thị Hà Xuyên (ngụ phường 13, quận Tân Bình). Tháng này, chị Xuyên cũng phải đóng thêm 740.000 đồng tiền điện. “Khi nhận hóa đơn, tôi thấy tiền điện tăng lên đáng kể, trong khi so với tháng trước, gia đình chỉ dùng thêm vài chục số điện. Không biết nhà tôi có bị tính nhầm hay không mà tiền điện tăng nhiều vậy?”, chị Xuyên thắc mắc.
Chị Thắng (ngụ quận Phú Nhuận) cho hay, tiền điện gia đình chị phải đóng tháng 5 là 3,7 triệu đồng, tăng 1,4 triệu đồng so với mức bình quân các tháng trước (2,3 triệu/tháng). “Giá tiền điện tăng, một phần là do cách tính tiền điện lũy tiến theo từng hộ gia đình, do thời gian vừa qua thời tiết khá nóng, gia đình sử dụng máy lạnh nhiều hơn".
Tìm hiểu tại nhiều hộ gia đình khác tại địa bàn quận Phú Nhuận, Tân Phú, quận 12…tình trạng hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng vọt trong tháng 5 diễn ra khá phổ biến. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân tăng là do nhu cầu sử dụng nhiều trong đợt nắng nóng vừa qua, cũng có ý kiến “nghi ngờ” cách tính tiền điện kiểu lũy tiến bậc thang của ngành điện lực.
Chuyện người dân “kêu trời” sau mỗi lần điện tăng giá không phải lạ; tuy nhiên, đợt tăng giá điện lần này rơi đúng vào tháng cao điểm mùa nắng nóng khiến nhiều người càng “choáng” hơn khi cầm hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Điện lực thành phố nói gì?
Chiều 24/6, trả lời phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, việc tăng giá điện đã được thực hiện từ 16/3/2015, do đó một số gia đình có tiền điện cao hơn những tháng trước không liên quan đến tăng giá điện trong tháng 5/2015 vừa rồi.
Trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6/2015, nhiệt độ trung bình nhiều ngày ở TP HCM từ 38 - 39 độ C, đo đó nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ bình thường của thành phố khoảng 61 triệu kWh/ngày, nhưng trong tháng 5/2015 và nửa đầu tháng 6/2015, bình quân là 67,5 triệu kWh, thậm chí có ngày lên tới xấp xỉ 70 triệu kWh.
Theo thống kê, riêng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt bình quân trong tháng 5/2015 tăng 10% so với các tháng trước, đặc biệt một số hộ còn tăng cao đến hơn 40%. Khi tăng nhu cầu sử dụng điện thì đơn giá các bậc thang sau cao hơn bậc thang trước nên khách hàng có cảm giác tiền điện phải trả chưa phù hợp.
Theo quy định hiện hành, giá điện sinh hoạt bán lẻ hiện nay được tính theo bậc thang, gồm 6 bậc. Mức giá cao nhất cho điện tiêu thụ trên 400 kWh là 2.587 đồng/kWh (chưa VAT). Như vậy, trong đợt nắng nóng vừa qua, những gia đình có sử dụng máy lạnh sẽ thấy rõ nhất sự tác động khi trả tiền điện.
Theo khẳng định của ông Vũ, hiện nay, các loại điện kế EVNHCMC sử dụng để đo đếm chỉ số điện tiêu thụ điện của khách hàng đều được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng theo đúng Luật đo lường và Luật điện lực. Bên cạnh việc định kỳ kiểm tra, kiểm định, thay bảo trì theo quy định, EVNHCMC kiểm soát chặt chẽ việc ghi điện và phúc tra ghi điện tại nhà khách hàng.
Trung Kiên