1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Ông trùm" thu phí BOT phía Nam báo lãi lớn

Khổng Chiêm
Kết quả kinh doanh quý II/2024

(Dân trí) - CII lãi hơn 452 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhờ hoạt động thu phí BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) và thêm khoản doanh thu tài chính.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) là doanh nghiệp nổi bật khu vực phía Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Công ty có đầu tư và khai thác quyền thu phí (BOT) ở nhiều tuyến đường lớn như Xa lộ Hà Nội (TPHCM), Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cổ Chiên, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua TP Phan Rang - Tháp Chàm, cầu Rạch Miễu - Quốc lộ 60, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 741...

Quý II năm nay, CII đạt doanh thu 744 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 129 tỷ đồng, tăng 55%.

Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng chủ yếu do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đơn vị vận hành là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã trở thành công ty con của CII từ quý IV/2023). Tiết lộ từ CII cho biết doanh thu thu phí trung bình/ngày (tại cuối năm 2022) ở cao tốc này là 2,3 tỷ đồng.

Ông trùm thu phí BOT phía Nam báo lãi lớn - 1

CII là đơn vị thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Ảnh: CII).

Ngoài ra, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng các khoản lợi ích tài chính lũy kế từ dự án Trạm thu phí Cà Ná - Km 1584+100, Quốc lộ 1, Ninh Thuận thuộc Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận và ghi nhận chi phí tài chính từ khoản dự phòng đầu tư tài chính.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của CII đạt 1.648 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thu phí giao thông đem về hơn 1.309 tỷ đồng, chiếm 79% cơ cấu và tăng tới 84% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh 70%, chỉ còn 211 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, công ty lãi sau thuế hơn 452 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước.

Ngoài mảng thu phí BOT diễn biến tích cực, nhiều dự án trong giai đoạn thu phí hoàn vốn đầu tư, CII cũng đang triển khai một số dự án bất động sản trọng điểm. Công ty có nhiều dự án trên "đất vàng" Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM và triển khai ở một số tỉnh, thành khác.

Dự án Delagi (Bình Thuận) đang được công ty này rót vốn đầu tư mạnh mẽ. Chi phí đầu tư và phát triển dự án này vào cuối tháng 6 đạt gần 1.039 tỷ đồng, chiếm 60% tổng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Ngoài ra, CII còn hơn 612 tỷ đồng chi phí dở dang tại khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, còn lại là các dự án khác.

CII được thành lập từ cuối năm 2001 theo chủ trương của TPHCM về xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng. Các cổ đông sáng lập là 3 công ty có vốn Nhà nước, gồm Quỹ đầu tư phát triển đô thị TPHCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC); Công ty sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong TPHCM (VYC); Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ TPHCM (Invesco).