1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nước mắm chứa thạch tín: "Hồ đồ, vội vàng nhân danh người tiêu dùng"

(Dân trí) - Nhận xét về kết quả khảo sát đối với hàm lượng thạch tín trong nước mắm đóng chai, một chuyên gia cho rằng khảo sát của Vinastas kết luận như vậy là "hồ đồ, vội vàng nhân danh bảo vệ người tiêu dùng nhưng chính là làm cho người tiêu dùng hoang mang”.

Người tiêu dùng hoang mang vì công bố của Vinastas liên quan đến hàm lượng arsen trong nước mắm.
Người tiêu dùng hoang mang vì công bố của Vinastas liên quan đến hàm lượng arsen trong nước mắm.

"Hồ đồ, vội vàng nhân danh người tiêu dùng"

Theo kết quả khảo sát trên 105 mẫu nước mắm đóng chai của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy, gần 70% chứa arsen vượt ngưỡng. Khảo sát này cho thấy, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm thạch tín càng tăng.

Trao đổi với báo chí về kết quả này, TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế khẳng định, quy chuẩn bộ y tế ngầm hiểu đó là vô cơ (arsenite hoặc arsenate). Về mặt chuyên môn, nói đến thạch tín nghĩ hay đến vô cơ.

Tại QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế ban hành năm 2011 là quy định chuẩn quốc gia về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm. Theo đó, hàm lượng Arsen đã được Bộ Y tế ghi chú rõ chỉ tính trên Arsen vô cơ và hàm lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời là 0,015mg/kg. Riêng với nước chấm, Bộ Y tế có giới hạn chung là 1,0mg/l.

Do đó, ông Đáng cho rằng khảo sát của Vinastas kết luận như vậy là "hồ đồ, vội vàng nhân danh bảo vệ người tiêu dùng nhưng chính là làm cho người tiêu dùng hoang mang”.

Trên thực tế, ngay sau khi thông tin về nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng quy định được đưa ra đã gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng bởi từ xa xưa, nước mắm đã là một phần không thể thiếu trong những bữa ăn của người Việt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến hoài nghi về “động cơ” thực sự của Vinastas. Ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế và những nhà sản xuất nước mắm cho biết, Vinastas đang nhân danh người tiêu dùng và chính là làm người tiêu dùng hoang mang hơn.

Kết quả khảo sát cũng được cho là sẽ gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm phản ánh, các siêu thị, các nhà phân phối đang yêu cầu giải trình, giải thích cho từng khách hàng.

"Chiêu truyền thông" hay "thừa nước đục thả câu"?

Một ngày sau khi công bố kết quả khảo sát, đại diện Vinastas trả lời báo chí, cuộc khảo sát nêu trên kéo dài hơn 1 tháng, thực hiện với 150 mẫu từ 19 tỉnh thành và “tất nhiên có nhà tài trợ” cho cuộc khảo sát này nhưng cũng khẳng định “Hội không nhận tiền của bất kỳ doanh nghiệp nào để thực hiện cuộc khảo sát”.

Ngay bên lề buổi công bố kết quả, đại diện Vinastas cho biết, không công bố danh tính của các sản phẩm không đạt mà thông tin chỉ mang tính cảnh báo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tối cùng ngày, kết quả khảo sát nước mắm kể trên với bảng biểu được sắp xếp theo mức độ ô nhiễm arsen đầy đủ tên và nhà sản xuất đã được lan truyền trên mạng xã hội.

Tối ngày 19/10, một người có tiếng làm trong lĩnh vực truyền thông và cũng là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ: "Tôi dự định sẽ im lặng nhưng tôi biết bạn bè mong chờ lời nói của tôi như một facebooker và cũng là một bà nội trợ mà các bạn tin tưởng. Tôi xin phép được khẳng định, tất cả các lập luận "về chiến dịch truyền thông reo rắc nỗi kinh hoàng" được bóc mẽ là chính xác. Bởi vì tôi được mời làm KOL (người có tầm ảnh hưởng) cho chiến dịch này. Và đương nhiên tôi đã từ chối".

Vị này cũng đính kèm một đoạn trao đổi của nhân viên truyền thông đề nghị "nhận được sự ủng hộ, nêu quan điểm cá nhân, và chia sẻ về thực trạng nhiều nhãn nước mắm lưu hành trên thị trường bị nhiễm độc, thông qua cách đăng lên trang facebook cá nhân có trích dẫn lại link nguồn thông tin từ website của Hội bảo vệ người tiêu dùng". Cụ thể thông tin được trích dẫn sẽ gồm "danh sách kết quả kiểm nghiệm, nêu một số nhãn vi phạm nghiêm trọng cho mọi người cảnh giác và nêu một vài cái tên an toàn và khuyến cáo mọi người sử dụng".

Sáng ngày 20/10, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng ngay lập tức tung ra quảng cáo sản phẩm nước mắm của mình. Mẩu quảng cáo này chiếm trọn trang đầu trong mục Quảng cáo của một tờ báo in, trong nội dung có câu nổi bật “Cam kết đạt chuẩn an toàn thạch tín”. Với các thông điệp "ngon" và "an toàn", doanh nghiệp này khẳng định rằng các sản phẩm của mình có lượng arsen đạt chuẩn theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

“Marketing dựa trên sự sợ hãi khó thành với nước mắm”

Đại diện một doanh nghiệp trong danh sách, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc CTCP thủy sản 584 Nha Trang cho biết, ông chưa rõ mục đích của Vintastas khi công bố khảo sát nước mắm này là gì. “Danh sách rò rỉ cùng ngày Vinastas công bố kết quả khảo sát, liệu Vinastas có bị tác động hay không? Tôi cho rằng Vinastas làm vậy là không đúng, không minh bạch”, ông Diệp nhấn mạnh.

Ông Diệp cũng đề cập những thông tin đang được giới truyền thông phân tích là phương pháp kinh doanh, marketing trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng mà doanh nghiệp khác đã từng áp dụng đối với các sản phẩm như nước tương không 3MDCP, mì tôm không chứa transfat, cà phê được làm từ cà phê… tiếp đến là nước mắm.

“Có lẽ ai đó nếu sử dụng chiêu thức này với nước mắm là sai, đây không phải ngành nghề nhỏ lẻ, cá nhân mà là hiệp hội ngành nghề nhiều đời nay nên nếu áp dụng sẽ không thể thành công”, ông Diệp cho hay.

Một chuyên gia truyền thông cũng nhìn nhận: "Tôi nghĩ là không cần nói thêm điều gì cả, nếu đây đúng là một chiến dịch truyền thông thì nó là một chiến dịch truyền thông làm tan nát thị trường và cư dân mạng đã đọc vị toàn bộ chiến dịch này. Đây cũng sẽ là một bài học kinh điển mà biết chắc sẽ đi vào sử sách của ngành marketing hàng chục năm sau bởi chưa bao giờ một chiến dịch truyền thông tưởng như sẽ thành công rực rỡ lại thất bại thảm hại như vậy".

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm