DMagazine

"Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là "đất nước đổi mới - sáng tạo"

(Dân trí) - "Muốn đưa đất nước hóa rồng, hóa hổ thì phải là đất nước đổi mới sáng tạo, phải phát triển kinh tế số, phải có AI… Hơn nữa là phải có con người đổi mới sáng tạo, sẵn sàng khởi nghiệp, đi theo cái mới"

GS, TS. Hoàng Văn Cường: Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là "đất nước đổi mới - sáng tạo"

"Muốn đưa đất nước hóa rồng, hóa hổ thì phải là đất nước đổi mới sáng tạo, phải phát triển kinh tế số, phải có AI… Hơn nữa là phải có con người đổi mới sáng tạo, sẵn sàng khởi nghiệp, đi theo cái mới".

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí nhân dịp đầu xuân mới Tân Sửu, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam có mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước giàu vào năm 2045 và chúng ta cần hành động quyết liệt để hiện thực hóa tham vọng này.

Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 1

Thưa GS, TS Hoàng Văn Cường, năm 2020 đất nước đối mặt với nhiều thách thức, nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua và tạo tiền đề cho năm tiếp theo. Đứng ở góc độ nhà nghiên cứu, Đại biểu Quốc hội, ông có nhận xét gì về một năm đã qua?

- Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 diễn ra làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam là nước mở cửa rộng, độ mở nền kinh tế gấp 2 lần giá trị GDP nên chắc chắn sẽ bị tác động do kinh tế toàn cầu bị đứt gãy.

Tuy nhiên, cái đạt được của Việt Nam là cấu trúc kinh tế Việt Nam thay đổi, doanh nghiệp nội dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, dần khẳng định được thương hiệu và sản phẩm của mình, họ phần nào tự sản xuất, tự đáp ứng thị trường trong nước.

Rất may mắn, chúng ta có thị trường trong nước để làm chỗ dựa, cái mạnh nhất, đây là sự vững tin nhất của doanh nghiệp Việt. Thặng dư thương mại năm 2020 đạt hơn 19 tỷ USD, rõ ràng chúng ta vẫn giữ được thị trường. 

Yếu tố thứ 3 góp phần tăng trưởng GDP dương là giải ngân đầu tư năm 2020 rất ấn tượng. Năm 2020 là năm giải ngân đầu tư công lớn và rõ nét nhất, đặc biệt 6 tháng cuối năm. Nhiều người đặt dấu hỏi là những lợi thế này đến năm 2021 có còn không?

Về xuất khẩu, doanh nghiệp Việt vẫn sẽ khai thác tốt thôi, về thị trường trong nước, người dân vẫn luôn tin vào sản phẩm Việt. Hiệu ứng của đầu tư công năm 2020 sẽ tạo ra giá trị sản phẩm cho 2021, nền kinh tế có đứt gãy, có chịu ảnh hưởng Covid-19 nhưng chúng ta vẫn tin tưởng vào sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp.

Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 2

Ảnh: Danang Travel

Năm 2021 thế giới đã có vắc xin Covid-19, khả năng khống chế dịch bệnh sẽ tiến triển tốt hơn, thế giới sẽ tìm ra phương thức giao thương hàng hóa. Niềm tin vào sự phục hồi tốt của kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021 là hoàn toàn có cơ sở.

Nhiều năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng tăng trưởng Việt Nam chưa được cải thiện, phụ thuộc vào nguồn lực giá rẻ, vốn và gia công xuất khẩu, chỉ số ICOR quá cao. Những yếu kém này cần được khắc phục nếu muốn trở thành nước giàu mạnh, hùng cường?

- Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đúng là chưa cao, chúng ta nhìn rõ ICOR vẫn còn cao và năng suất lao động rất thấp. 

Không phải do người Việt lười mà lao động Việt đang tập trung lớn vào nơi có giá trị gia tăng thấp, được hưởng ít giá trị của tăng trưởng. 

Mấy năm gần đây, ICOR đã được cải thiện, trước mất từ 6,5 đồng để đổi lấy 1 điểm % tăng trưởng, giờ giảm xuống còn mất 6,1 đồng để đổi lấy 1 điểm % tăng trưởng. Thêm vào đó, cơ cấu kinh tế có dịch chuyển, không chỉ đơn thuần nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Hoạt động kinh tế trong nước thể hiện rõ hơn vai trò, tập đoàn lớn trong nước tạo sản phẩm không thua kém nước ngoài.

Nhiều yếu tố dẫn tới năng suất lao động thấp, nếu duy trì tăng trưởng 5-7% chúng ta vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình thấp. Muốn lên trung bình cao thì năng suất lao động phải tăng đột biến, phải chuyển từ khâu gia công sáng tạo ra giá trị cao hơn.

Việt Nam không thể đi vào cái người ta đã có mà phải tạo ra giá trị mới, thương hiệu mới, gắn với đổi mới sáng tạo. Mà muốn đưa đất nước phát triển đột phá, hóa rồng, hóa hổ thì phải đi vào đổi mới sáng tạo, phải phát triển kinh tế số, AI... Khi đổi mới sáng tạo thì phải có con người đi vào vấn đề này, sẵn sàng khởi nghiệp, đi theo cái mới. Tất cả phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh tư duy lãnh đạo và linh hoạt điều hành, chất lượng nguồn nhân lực được xem là cơ sở, nền tảng cho phát triển đất nước. Theo ông, chúng ta cần đổi mới đào tạo con người để thế hệ tương lai thấm nhuần được khát vọng, hoài bão và chăm chỉ làm việc, cống hiến, hy sinh?

- Nói đến nguồn nhân lực, nhiều người nói giáo dục đào tạo của chúng ta còn yếu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, giáo dục Việt Nam không kém, vì nếu kém thì làm sao chỉ số phát triển con người Việt Nam lại cao 6,93%... 

Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 3
Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 4
Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 5

Con người có sẵn sàng sáng tạo thì phải đi từ giáo dục phổ thông. Nếu không tạo ra môi trường cho những đứa trẻ tự do phát triển, thay vì đưa vào khuôn mẫu đến khi học đại học sẽ tư duy theo kiểu đó. Phải cởi trói ngay từ giáo dục phổ thông, cái đó sẽ đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp. 

Sự thay đổi này không dễ dàng chấp nhận, vừa qua có bài trong sách giáo khoa không chuẩn, xã hội lên án. Nhưng chúng ta đừng nghĩ thất bại, mà phải nhìn thấy cái lớn là đứa trẻ không học vẹt, học sách khuôn mẫu. Tất cả người học sách như nhau, thi bài thi như nhau thì không thể có xã hội đa dạng, phong phú và giàu tính sáng tạo.

Phải thay đổi, đổi mới sáng tạo, khuyến khích đứa trẻ phát huy năng lực của nó, nếu từ bé bị triệt tiêu sáng tạo, tư duy thì lớn lên sẽ không phát triển được!

Ra bài thi mà lấy từ sách thì không còn sáng tạo cho đứa trẻ. Muốn cải cách giáo dục phổ thông phải không có sách giáo khoa nào hạn chế về tư duy, không cái gì theo sách. Hãy cho trẻ tham khảo nhiều bộ sách, mỗi bộ sách khác nhau, không bắt chúng học theo khuôn mẫu,...

Giáo dục đại học phải tiếp nối được năng lực sáng tạo của mỗi đứa trẻ. Hiện nay, yếu nhất trong giáo dục đại học là thích ứng môi trường làm việc, học nước này, nước khác, giao lưu với nhau cần được tăng cường hơn, nếu anh làm việc ở các môi trường khác nhau mà vẫn phải thích ứng được, đó mới là thành công.

Mục tiêu năm 2045, Việt Nam xây dựng mục tiêu trở thành nước giàu, chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội phát triển, lỡ một số mục tiêu, với hành trình và cách đi này chúng ta liệu có hiện thực hóa khát vọng đưa nước ta trở thành nước giàu, phát triển?

- Đầu tiên phải đặt vấn đề là người Việt có thể giàu có và biến đất nước phát triển hay không. Chúng ta có thể làm được. Trước đây chúng ta từ nước đói ăn, phải đi vay gạo, giờ trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

Vẫn con người Việt, cánh đồng đất Việt chứ có phải người nước ngoài nào thay đổi hay tập đoàn nước ngoài sản xuất đâu. Con người Việt Nam có thể thay đổi trạng thái từ nước đói ăn, thì có thể làm được các thứ khác. Quan trọng nhất là tư duy, cách thức khai thác được các nguồn lực. 

Dịch Covid-19, Việt Nam là nước đang phát triển nghiên cứu được máy thở, chúng ta nằm gần Trung Quốc, ổ dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới, đáng lẽ Việt Nam phải là nước đầu tiên bị dịch, nhưng chúng ta lại trở thành nước an toàn nhất thế giới.

Nhiều hoạt động kinh tế Việt Nam không thua kém. GDP tính lại bình quân đầu người hơn 3.500 USD/người, tính GDP bình quân tính theo giá tương đương là xấp xỉ 10.000 USD/người.

Cứ duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm, sau 10 năm giữ vững được tốc độ như vậy, GDP người của Việt Nam năm 2030 thì sẽ 20.000 USD, năm 2040 chúng ta có 40.000 USD/năm và năm 2045, chúng ta sẽ có thu nhập bình quân theo sức mua tương đương khoảng có 50.000 USD - bằng với mức thu nhập của các nước phát triển cao.

Vậy có thể nỗ lực đạt tăng trưởng GDP 7% được không? Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, đó không phải chuyện xa vời, vu vơ.

Lịch sử chỉ ra chúng ta đạt được những bước nhảy vọt. Tăng trưởng 7% không khó, cái khó nhất là giữ duy trì nhịp độ. Phải đặt mục tiêu cao để chúng ta cố gắng, không có mục tiêu cao, không cố gắng sẽ không đi đến đâu.

Lịch sử cho thấy, các nước có tăng trưởng cao, họ tăng trưởng nhảy vọt tới 10%. Duy trì tăng trưởng cao sẽ đưa nước ta vượt qua được "bẫy thu nhập trung bình". Nếu duy trì đều đều mức 6%/năm đến 6,5%/năm, chúng ta sẽ không có gì đột phá, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Nhìn sang các nước như Thái Lan... họ tăng trưởng trước chúng ta rất nhiều, trước tăng trưởng nhanh, giờ không vọt lên được vì không có đột phá. Do đó, muốn trở thành nước giàu thì phải tăng trưởng đột phá.

Vấn đề của Việt Nam là phải có bước nhảy, trọng tâm là đột phá. Không đổi mới sáng tạo thì không có bước nhảy, theo con đường như hiện nay thì không phát triển được. Đột phá phải tạo ra lĩnh vực trụ cột mới trong nền kinh tế trong nước.

Ngoài vấn đề đổi mới sáng tạo, nguồn lực kinh tế tư nhân có thể được coi là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa tham vọng hay không? Kinh tế tư nhân đang đối diện với nguy cơ thiếu động lực, thiếu thị trường phát triển, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nghị quyết số 10/NQ-TW của Bộ Chính trị quán triệt kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước, các doanh nghiệp tư nhân phải trở thành tập đoàn lớn để tạo ra trụ cột lớn. Trên thế giới, các nước giàu đều phải dựa vào tập đoàn lớn, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Chúng ta có tiền đề để hình thành tập đoàn tư nhân lớn. 

Điều tôi tiếc nhất hiện nay là chúng ta nhìn thấy kinh tế biển là tiềm năng lớn, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đứng ra làm đầu tàu phát triển kinh tế biển. Một đất nước diện tích 3/4 giáp biển, không có ngành kinh tế biển vững mạnh là thiệt thòi, thậm chí là thua thiệt so với thế giới. 

Kinh tế biển cần được khơi dậy từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, không thể lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển kinh tế biển vì họ không cùng mục tiêu, chí hướng.

Ngành công nghiệp đường sắt, cơ khí trước đây chúng ta có, tại sao không phát triển được công nghiệp đường sắt, có đại đô thị thì cần có đường sắt đô thị. Chúng ta có Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng tự hỏi tại sao không phát triển đường sắt Việt Nam, mà phải nhập các đoàn tàu từ Trung Quốc, Nhật, Pháp rồi phải bỏ tiền "nuôi" thiết bị, nhập khẩu phụ tùng của họ. 

Muốn hóa rồng, hóa hổ, phải là đất nước đổi mới - sáng tạo - 6

Ảnh: Danang fantasticity

Nếu làm công nghiệp đường sắt, nhập hẳn nhà máy từ nước ngoài vào, mua cả công nghệ của nhà sản xuất, thì chúng ta có cả thị trường lớn, có cả công việc tạo ra cho hàng vạn lao động và có chỗ đứng cho sự phát triển.

Về cải cách thủ tục hành chính, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định FTAs thế hệ mới, áp lực bên ngoài rất lớn yêu cầu Việt Nam đổi mới, cải cách toàn diện. Theo ông, hệ thống chính sách, thủ tục hành chính của Việt Nam cần cải thiện ở khâu nào, hướng nào để theo kịp và đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi khách quan của hội nhập?

- Trong 5 năm qua, Chính phủ cải cách môi trường thể chế, điều kiện kinh doanh, nhưng hỏi rằng hiện nay chúng ta thực hiện phục vụ hay vẫn cứ gây khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, vẫn cứ đi soi thủ tục này, quy trình kia. 

Đổi mới, sáng tạo là không biết anh làm thế nào, nhưng quan tâm anh làm ra cái gì, vậy mới có đổi mới sáng tạo. Rõ ràng chúng ta phải thay đổi từ cơ chế quản lý tuân thủ, quy trình sang quản lý kết quả, đầu ra; lấy việc hài lòng người dân và doanh nghiệp là thước đo lớn nhất.

Chúng ta cần chuyển từ quản lý sang phục vụ, quản lý phải theo kết quả, đầu ra thay vì nặng về quản lý theo quy trình, tuân thủ, bởi như vậy làm sao sáng tạo, đổi mới được.

Bộ máy của chúng ta vẫn theo lối hành chính, nếu không đặt ra quy định thì cán bộ quản lý không biết làm gì cả. Cán bộ phải có đủ năng lực đánh giá kết quả đầu ra, như vậy mới thay đổi phương thức quản lý, phục vụ thực sự.

Trân trọng cảm ơn ông!