Chính phủ: Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội
(Dân trí) - Cùng với việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, Chính phủ yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn của dự án năng lượng tái tạo, dự án BOT và bất động sản tồn đọng; thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm gây lãng phí.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ quán triệt trong Nghị quyết 01 vừa ban hành, về giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Trong nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành để tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn.
Riêng chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TPHCM và các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước, theo yêu cầu của Chính phủ.
"Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá" là chủ đề được Chính phủ lựa chọn cho năm 2025.
Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Trong đó, Chính phủ lưu ý đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển.
Chính phủ định hướng đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết thì không quản"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả".
Một nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ đề cập là hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi các Luật về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…); điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không chồng chéo, trùng lặp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Đi kèm với đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, Chính phủ quán triệt đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội cũng là nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh. Đi kèm với việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, dự án BOT, dự án bất động sản tồn đọng, kéo dài.
Đặc biệt, Chính phủ đề nghị thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn.
Bên cạnh những nhiệm vụ đó, Chính phủ chỉ đạo ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội.