Chứng khoán "đuối sức", nguồn tiền khan hiếm đang chảy vào đâu?
(Dân trí) - VN-Index tiếp tục để mất mốc 1.230 điểm về về sát vùng 1.220 điểm. Tuy phần lớn cổ phiếu bị chiết khấu nhưng dòng tiền đổ vào thị trường vẫn nhỏ giọt. Cả bên mua và bên bán đều giữ thái độ thận trọng.
Thị trường tiếp tục giao dịch tiêu cực trong phiên sáng. Các chỉ số hầu như chỉ vận động dưới đường tham chiếu. VN-Index tạm thời đánh mất 7,58 điểm tương ứng 0,62% còn 1.222,9 điểm. Mất thêm mốc 1.230 điểm, chỉ số đang dần lùi về hỗ trợ cứng tiếp theo là 1.220 điểm.
HNX-Index giảm 1,53 điểm tương ứng 0,7% còn UPCoM-Index cũng để rơi 0,5 điểm tương ứng 0,54%.
Toàn thị trường có 484 mã giảm giá, áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng là 194 mã. Tuy vậy, chỉ có 9 mã giảm sàn trên toàn thị trường, theo đó, hoạt động bán tháo chưa bị kích hoạt. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu vẫn tiếp tục cầm cự và không bán bằng mọi giá.
Tuy phần lớn cổ phiếu trên thị trường bị chiết khấu nhưng dòng tiền đổ vào thị trường chưa mạnh. Cả bên mua và bên bán đều giữ thái độ thận trọng. Khối lượng giao dịch trên HoSE ở mức 245,84 triệu cổ phiếu tương ứng 5.925,67 tỷ đồng; trên HNX là 22,71 triệu cổ phiếu tương ứng 358,3 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 12,12 triệu cổ phiếu tương ứng 160,64 tỷ đồng.
21 mã cổ phiếu đầu ngành trong rổ VN30 điều chỉnh. Trong đó, một số mã giảm sâu và có ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng chung của thị trường: CTG giảm 3,1%; BCM giảm 1,6%; MSN giảm 1,5%; VRE giảm 1,5%; HDB giảm 1,4%; BID giảm 1,3%; VHM giảm 1,3%; STB, VPB cùng giảm 1,1%; BVH giảm 1%.
Tuy vậy, vẫn có những bật sắc "xanh" trên bảng điện tử. PLX tăng 1,7%; POW tăng 0,9%; HPG giảm 0,8%; SAB, VNM và VCB tăng nhẹ.
Cổ phiếu ngành dầu khí là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh thị trường phiên sáng. Ngoài "ông lớn" PLX thì một số mã có diễn biến khá tích cực: PLX tăng 3,4%; PVD tăng 1,8%; PVB tăng 1,5%; PVC tăng 1%; PVS tăng nhẹ.
Tại nhóm cổ phiếu ngành điện, bên cạnh diễn biến tích cực tại POW thì KHP cũng tăng 3,6%; ISH tăng 1,2%; DRL tăng 0,4%; PGV, NT2, VSH tăng giá.
Nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt không vội vàng giải ngân dù VN-Index đã về sát 1.220 điểm. Dòng tiền chậm rãi chọn lọc cổ phiếu, qua đó, tạo nên sự phân hóa tại hầu hết nhóm ngành trên thị trường.
Trong nhóm tài nguyên cơ bản, một số mã tăng khá tốt là VID, SHI, SAV, KSB, SVT, SMC và HPG. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, HAP giảm sàn, VCA giảm 5,6%; PTB giảm 3,2%; DHC giảm 2,5%; VPG giảm 2,4%.
Hầu hết cổ phiếu bất động sản giảm giá. NVL tiếp tục trượt sâu, giảm 4,2% còn 9.500 đồng, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. SJS giảm 4,1%; PTL giảm 2,8%; SGR, SZC cùng giảm 2,6%; DIG giảm 2,5%. Song cũng có một vài mã tăng giá, đáng chú ý nhất là FIR tăng trần, NBB tăng 3,3%; NVT tăng 2,3%.
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính vốn có tính thị trường cao, đa số giảm nhưng vẫn có những mã tăng như EVF, AGR, FTS, BSI. Tương tự với cổ phiếu ngân hàng, hầu hết giảm giá, chỉ có VCB - mã có vốn hóa lớn nhất thị trường - tăng nhẹ 0,2%.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, thị trường chứng khoán trong nước đang bước vào "vùng trũng thông tin hỗ trợ" và việc nhiều nhà đầu tư "nghỉ Tết sớm" đã khiến dòng tiền suy yếu.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cho thấy cả phía cung và phía cầu đều đang giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi hơn là tích cực tham gia giao dịch. Điều này phần nào sẽ hạn chế xung lực của thị trường, cả chiều hướng giảm và ngược lại.
Trong tuần giao dịch này, nhà đầu tư được khuyến nghị dừng "bán tháo" khi thị trường đã lùi về gần vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn quan sát cung cầu thị trường ở vùng hỗ trợ, nếu xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật thì cân nhắc hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu về ngưỡng an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.