TS. Nguyễn Đình Cung:

"Cơ hội là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả và không chờ đợi bất kỳ ai"

(Dân trí) - "Tôi ít khi nói cơ hội, bởi nó là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả, không chờ đợi bất kỳ ai. Chỉ khi nào chúng ta vượt qua thách thức thì mới đến được với cơ hội".

TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ như vậy và cho rằng, chúng ta nói nhiều về cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhưng cơ hội đó không phải là của để dành cho bất kỳ ai!

"Muốn trao cơ hội cho người Việt Nam, chúng ta phải giúp cho người Việt đủ năng lực vượt qua thách thức", TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.

Cơ hội là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả và không chờ đợi bất kỳ ai - 1

TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Chia sẻ với báo giới về cơ hội cũng như kỳ vọng mở cửa và bứt phát của kinh tế Việt Nam năm 2021, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn 2020, có thể đạt cao hơn từ 7-7,5%. Tuy nhiên, để làm được thì cần nhiều yếu tố khác nhau.

Thưa TS. Cung, năm 2020, dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp, song đây cũng là thành công trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, đứng về góc độ chuyên gia ông có đánh giá gì về nền kinh tế Việt Nam năm qua hay không? 

Còn nhớ cuối năm 2019, cũng vào dịp này đất nước đang ở đỉnh cao của sự hứng khởi. Tất cả dự báo trong nước và quốc tế đều cho thấy năm 2020, phát triển kinh tế Việt Nam sẽ thành công hơn 2019.  

Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, Việt Nam phát hiện một số ca mắc Covid-19. Tại thời điểm đó, Bộ KH&ĐT và anh em tư vấn bắt đầu đánh giá tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế và giải pháp ứng phó. 

Lúc đó, tầm nhìn đánh giá chỉ từ Vũ Hán, dự kiến quý 1 kết thúc dịch. Kịch bản quý 1 tăng trưởng thấp, quý 2 vẫn thấp, quý 3, 4 cao hơn và chúng ta đạt tăng trưởng cả năm 6,8%.  

Song dường như những diễn biến sau đó, tất cả đã nằm ngoài dự đoán của Việt Nam. Đến khi đó, dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ... chúng ta hiểu rằng tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều, những quyết định khó khăn như đóng cửa đường bay, giãn cách xã hội đã được thực hiện. 

Năm 2020, GDP Việt Nam chỉ tăng 2,91% nhưng có thể chấp nhận được, đặc biệt, so với 10 năm trước chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong nước...

Cơ hội là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả và không chờ đợi bất kỳ ai - 2
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Nói về kết quả năm 2020 không thể không nhắc tới thành tích xuất khẩu ấn tượng, tăng trưởng 6,5% mặc dù thương mại toàn cầu bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Doanh nghiệp ngoại ở Việt Nam dường như miễn nhiễm hoặc ít tác động bởi đại dịch, nhưng doanh nghiệp Việt đang khốn khó trăm bề?

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào đầu tư nước ngoài, đây là thực trạng đã kéo dài nhiều năm, dẫn đến tính dễ tổn thương của nền kinh tế cao, khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng bị suy giảm.

Thậm chí đang có tình trạng ở một số địa phương, nếu doanh nghiệp nước ngoài rút đi thì chẳng còn gì, công nhân thất nghiệp và để lại hệ quả về xã hội tương đối lớn. 

Muốn phát triển doanh nghiệp trong nước, không phải ngăn chặn đầu tư nước ngoài mà cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước lớn lên. 

Chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa sẵn sàng để lớn mà một khi không lớn thì tại sao không muốn nhận chuyển giao công nghệ từ FDI? Nếu doanh nghiệp lớn mạnh, chính bản thân họ sẽ đi tìm khắp nơi để mua công nghệ. Đây là điều cần suy nghĩ và tìm cách giải quyết.

Gần đây, Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đi đầu trong một số ngành lĩnh vực như công nghệ chế tạo, du lịch nghỉ dưỡng và hàng không. Để tư nhân trưởng thành, lớn mạnh, chúng ta cần hỗ trợ gì về pháp lý, cơ chế hợp tác và đặc biệt là thúc đẩy gia nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu?

Dưới tác động của đại dịch, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã rất chủ động để vượt khó, họ thay đổi vì sự sống còn của chính mình, vì đảm bảo công ăn việc làm của người lao động. Vì vậy, Nhà nước phải tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, nhìn thấy xu hướng nào là rủi ro cho doanh nghiệp thì phải cảnh báo, đỡ cho họ. 

Việt Nam cần có chương trình phục hồi kinh tế, trong đó nên nhấn vào gói kích thích kinh tế, tạo ra nền kinh tế năng động hơn, đáp ứng được với cả nhiệm kỳ, chứ không chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, ngắn hạn. 

Với EVFTA, người ta cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi ích, nhưng cơ hội đó cho ai? Chỉ cho người biết nắm bắt cơ hội đó. Nhớ lại cách đây 15 năm khi vào WTO, mọi người bừng bừng lên, nhưng cơ hội đó chủ yếu dành cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. 

Muốn trao cơ hội cho người Việt Nam thì thì trước hết chúng ta phải giúp cho người Việt đủ năng lực vượt qua thách thức.

EVFTA cũng tương tự như thế, phải vượt qua thách thức mới với tới được cơ hội, chúng ta có xuất khẩu tăng trưởng và đạt thặng dư nhưng đây là biểu hiện của việc doanh nghiệp FDI tận dụng được các cơ chế FTAs mở rộng. Còn doanh nghiệp trong nước vẫn khai thác được rất ít.

Từ năm 2007, tôi viết 10 điểm cảnh báo về đầu tư nước ngoài, kể cả môi trường nhưng không ai nghe và bây giờ nó đúng như vậy, rất đau xót.

Cơ hội là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả và không chờ đợi bất kỳ ai - 3

Từ năm 2007, tôi viết 10 điểm cảnh báo về đầu tư nước ngoài, kể cả môi trường nhưng không ai nghe và bây giờ nó đúng như vậy, rất đau xót.

Qua đại dịch Covid-19, Việt Nam đã rất thành công trong chống dịch, nhiều người cho rằng nên lấy bài học chống dịch để làm bài học quản lý, quản trị để xây dựng đất nước phát triển, tiến lên. Theo ông, chúng ta cần lấy bài học kinh nghiệm này để làm thay đổi đất nước, đi nhanh, đi xa hơn hay không?

Tôi mong rằng Chính phủ sẽ kiên định mục tiêu và linh hoạt xử lý vấn đề như chống dịch. Trong quá trình xử lý những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải đừng để quá dài, quá lâu, quá cứng nhắc.

Hãy hỗ trợ doanh nghiệp nhanh như chống dịch Covid-19, một cuộc họp xong ra chỉ thị, mọi người tuân thủ thực hiện. Điều hành trong bối cảnh "bình thường mới" là kiên định mục tiêu, linh hoạt trong xử lý, học cách quản lý như chống dịch.

Còn doanh nghiệp, thực ra tôi không lo lắm vì sở dĩ họ đã luôn cố gắng. Nhưng doanh nghiệp hãy biết chớp thời cơ bằng việc tự đổi mới, tìm phương thức kinh doanh mới, tiến hành chuyển đổi số. Doanh nghiệp to hay nhỏ đều có thể chuyển đổi số. Hãy chuyển đổi số từ những công việc nhỏ, từ những việc mình cần. 

Chúng ta tập trung nhiều hơn, cần tăng thêm "lửa" cho cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm cải cách nhấn mạnh vào xây dựng phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực nhà nước theo cơ chế thị trường. 

Cơ hội là thứ xa xỉ, không dành cho tất cả và không chờ đợi bất kỳ ai - 4

Đừng cản trở làm tê liệt ý chí và khả năng sáng tạo đổi mới của người Việt, doanh nghiệp Việt.

Nhà nước phải tạo thuận lợi không cản trở doanh nghiệp, người dân. Đừng cản trở làm tê liệt ý chí và khả năng sáng tạo đổi mới của người Việt, doanh nghiệp Việt.

Chúng ta phải thấy có việc doanh nhân xin visa nước ngoài định cư, doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp hay người giỏi, có ý tưởng kéo ra nước ngoài đầu tư, khởi nghiệp là hiện tượng đáng cảnh báo đáng kể.

Nếu doanh nghiệp, doanh nhân tính chuyện rời bỏ đất nước, thì họ sẽ không đầu tư lớn hơn, lúc đó làm sao phát triển đất nước được. Đất nước muốn phát triển phải có sự đóng góp của hai người rất quan trọng là: Doanh nhân và trí thức. 

Trân trọng cảm ơn ông!