Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao năm 2024, mở đường năm 2025 nhiều tích cực
(Dân trí) - Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, quý IV/2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng này được đánh giá chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024 , duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Tính chung, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.
Tăng trưởng kinh tế vượt 7% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng trưởng thấp.
Với những thành tựu kinh tế ấn tượng của năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục được các tổ chức dự báo tích cực.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,6% so với mức 6,2% dự báo trước đó, là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á. Theo ADB, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025. Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%.
Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước trong khu vực Đông Nam Á - dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại.
Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử. Các hiệp định thương mại và vị trí chiến lược của Việt Nam củng cố sự hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhận định này được đưa ra dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tiến gần hơn tới mục tiêu nước thu nhập trung bình cao
Ngân hàng UOB cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên 7% từ mức trước đó là 6,6%. Quyết định đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu là 6,5%.
UOB kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm.
Các yếu tố này cộng hưởng với tình hình bên ngoài đang được nhìn nhận tích cực hơn. UOB kỳ vọng chính phủ Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn.
Vinacapital cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới có thể đạt 6,5% nhờ vào các yếu tố trong nước, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, sự phục hồi của thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.
Đến năm 2029, con số này dự kiến tiếp tục tăng lên mức 6.463 USD và đạt 12.727 USD vào năm 2039, xếp thứ 100. Khi ấy, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức 676 tỷ USD xếp thứ 32, trong khi Singapore là 656 tỷ USD, xếp thứ 33.
Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Singapore đến năm 2029 vẫn được dự báo xếp thứ 4 thế giới, với mức khoảng 106.572 USD.
CEBR đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thực tế, trong năm nay, hàng loạt "ông lớn" ngoại đã đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Tập đoàn Nvidia của tỷ phú Jensen Huang cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm R&D AI của Nvidia tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI. Ngoài ra, SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng cho biết có ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, còn Tập đoàn Trump Organization đã quyết định đầu tư vào Hưng Yên.
Tuy nhiên, các chuyên gia của CEBR lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu và tỷ lệ tín dụng/GDP cao có thể khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tác động bởi các cú sốc toàn cầu.
Duy trì đà tăng trưởng nhờ các yếu tố nội tại
Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Chính phủ đặt dự kiến ít nhất 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 8/1, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, cho biết có cơ sở để kinh tế năm nay tăng trưởng 8%. Trong đó, yêu cầu tăng trưởng GRDP được đặt ra rất cao đối với các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tối thiểu ở mức 8-10%. "Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn mức đạt được của năm 2024 thì sẽ là động lực rất lớn đối với tăng trưởng cả nước", ông Tâm nói.
Nói về cơ sở tăng trưởng cho năm nay và các năm tiếp theo, ông Tâm cho biết, trong bối cảnh tình hình mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam được thừa hưởng động lực tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024. Trong đó, việc hệ thống thể chế được hoàn thiện, bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là những động lực sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được nhiều kết quả cao.
Cơ sở thứ hai, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng, trong năm 2024, mặc dù chúng ta đã thực hiện việc miễn, giảm, hoãn thuế khoảng 197.000 tỷ đồng, nhưng cuối năm vẫn tăng thu, khoảng 337.000 tỷ đồng.
"Điều này cho thấy, nếu như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói. Ông cũng cho biết thêm rằng ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành việc miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, người dân đến hết tháng 6.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhận định rằng năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13 của Đảng. Theo đó, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát ở mức 4,5%.
Bà cho biết mức lạm phát duy trì ở mức thấp phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát tốt giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. "Đây là điểm sáng của phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024", bà Oanh nhận xét.
Để đạt được thành công trong kiểm soát lạm phát như đã nêu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp.
Theo đó, Chính phủ chú trọng tăng cường điều hành giá, quản lý giá. Đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ, Chính phủ kịp thời xuất cấp các loại hàng hóa dự trữ quốc gia, hỗ trợ, cứu trợ cho người dân, đảm bảo cung cấp, phân phối các loại hàng hóa, mặt hàng thiết yếu. Việc điều hành giá do Nhà nước quản lý trong thời gian vừa qua phù hợp với thị trường và được điều hành thận trọng.
Các chính sách về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, góp phần kiểm soát lạm phát. Ngoài ra trong năm 2024, lạm phát thế giới hạ nhiệt cũng giúp giảm áp lực "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh hơn 20% trong năm nay (so với mức giảm khoảng 10% trong năm 2023), đây là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024.
Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mức 40% trong xuất khẩu điện tử và các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững lại vào năm sau, một phần do nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một đợt "hạ cánh mềm" và suy giảm kinh tế.
Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ chuyển sang các yếu tố bên trong nhiều hơn. Dẫn dữ liệu của các công ty nghiên cứu tiêu dùng, ông Michael Kokalari cho rằng, tâm lý tiêu dùng yếu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và 2024, mặc dù đã có sự cải thiện phần nào trong năm 2024.