Bộ Công Thương đề xuất cơ chế để EVN cải thiện tình hình tài chính

Thanh Thương

(Dân trí) - Bộ Công Thương đề xuất bổ sung quy định cụ thể nguyên tắc xác định tỷ suất lợi nhuận để EVN cải thiện tình hình tài chính, bảo toàn được vốn.

Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về một số nội dung liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, bên cạnh đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống 2 tháng một lần, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng quy định để cải thiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, dự thảo bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) tại ngày 30/9 của năm liền kề trước đó cộng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm được Quốc hội thông qua.

Theo Bộ Công Thương, với ROE hiệu chỉnh nêu trên, ROE theo số liệu hiện hành từ 4 ngân hàng thương mại trong tháng 12/2024 thì ROE trước thuế khoảng 9,2%, tương ứng ROE sau thuế khoảng 7,6%.

Theo Bộ, mức ROE này là phù hợp trong giai đoạn tới để EVN cải thiện tình hình tài chính, bảo toàn được vốn và phát triển doanh nghiệp cũng như đảm bảo cơ sở huy động vốn để nâng cao tính chủ động trong việc tiếp tục đầu tư phát triển nguồn điện, đặc biệt là đầu tư nhà máy điện hạt nhân theo dự kiến.

Theo cơ quan soạn thảo, mức ROE nêu trên của EVN nếu được thực hiện cũng thấp hơn so với ROE của các nhà máy điện đã đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện với EVN, bình quân trong khoảng từ 10% đến 12%.

Bộ Công Thương cho biết đề xuất này được xây dựng trên cơ sở ý kiến góp ý của EVN. Theo đó, EVN đánh giá với mức tỷ suất lợi nhuận trước thuế hợp lý sẽ giúp EVN có nguồn lực để hoạt động khi chi phí sản xuất điện biến động mạnh nhưng giá điện không được điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Cơ quan quản lý cũng cho rằng thời gian qua tình hình tài chính của EVN gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn. Trong khi trách nhiệm của EVN là đảm bảo cung cấp điện ổn định, đồng nghĩa phải hoàn thành đầu tư một số dự án nguồn điện mới. Để thực hiện điều này tình hình tài chính của EVN phải ngày càng ổn định và phát triển.

Về tác động kinh tế đối với Nhà nước, Bộ Công Thương cho rằng phương án này phát sinh chi phí ngân sách Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Đối với doanh nghiệp, việc quy định cụ thể nguyên tắc xác định tỷ suất lợi nhuận là cơ sở để EVN tính toán phương án giá điện, qua đó đảm bảo việc bảo toàn vốn và phát triển doanh nghiệp, cũng như đầu tư phát triển nguồn điện được thuận lợi...

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cho rằng việc quy định nguyên tắc xác định tỷ suất lợi nhuận để cơ quan Nhà nước có cơ sở kiểm tra, giám sát tránh sự tùy tiện trong việc tự đề xuất các mức lợi nhuận thiếu căn cứ. Nhà nước sẽ không phải can thiệp nhiều đến doanh nghiệp về việc tính toán lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định này là cơ sở để EVN triển khai thực hiện có căn cứ, minh bạch về tỷ suất lợi nhuận được phép tính toán, tăng độ tín nhiệm doanh nghiệp.

Đối với người dân, Bộ Công Thương cho rằng quy định này tuy có ảnh hưởng nhưng việc cung cấp điện ổn định sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và vật chất khi đủ điện để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, năm 2023, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, "ông lớn" này lỗ kỷ lục hơn 47.519 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, EVN ghi nhận lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ là 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước diễn ra ngày 6/12/2024, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN - cho biết doanh thu công ty mẹ năm 2024 ước đạt hơn 480.000 tỷ đồng, dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng. "Đến cuối năm 2024, EVN dự kiến sẽ cân bằng được tài chính. Đây cũng là bước khởi đầu mới cho đơn vị bước sang năm nay", ông An nói.