USD tăng giá liên tục, lên đỉnh hơn 2 năm
(Dân trí) - Chỉ số đồng USD đang neo ở mức cao nhất trong hơn 2 năm qua và đang tiến gần đến ngưỡng kháng cự quan trọng tại mốc 110 điểm. Chuyên gia đưa ra lý do giúp tác động lên VND có thể sẽ được hạn chế.
USD tăng giá
Hôm nay (13/1), USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt - ghi nhận mức tăng 0,12%, đạt 109,79 điểm, chạm ngưỡng cao nhất trong hơn 2 năm qua.
Trong những phiên giao dịch đầu năm nay, chỉ số này liên tục duy trì trên mốc 109 điểm, phản ánh đà tăng mạnh mẽ của đồng USD sau báo cáo việc làm tích cực từ nền kinh tế Mỹ.
Diễn biến của thị trường quốc tế kéo thị trường trong nước tăng theo. Ngân hàng Nhà nước sáng 13/1 niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.343 đồng, tăng 2 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá 23.126-25.560 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.155-25.545 đồng (mua - bán). Ngân hàng cổ phần giao dịch USD tại vùng giá 25.180-25.560 đồng. Các ngân hàng đều niêm yết giá USD ở mức kịch trần.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.700-25.800 đồng (mua - bán), tăng 45 đồng mỗi chiều so với trước đó.
Tại họp báo gần đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, USD-Index đã liên tục tăng mạnh vào thời điểm cuối năm ngoái. Có thời điểm, chỉ số này vượt ngưỡng 108 điểm, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, trước khi bước sang năm 2025 vượt ngưỡng 109 điểm.
Trong năm 2024, giá trị đồng USD đã tăng 7,6%, gây áp lực lớn lên các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng tiền nội tệ của các nền kinh tế mới nổi.
Tại Việt Nam, dòng ngoại hối cũng chịu ảnh hưởng lớn. Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Cùng lúc, nhu cầu ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính để trả nợ nước ngoài, cũng như thanh toán các khoản trái phiếu chính phủ đến hạn, lên tới 5,1 tỷ USD. "Những yếu tố này khiến thị trường ngoại tệ trong nước căng thẳng vào cuối năm", ông Quang nói.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện hàng loạt biện pháp điều hành đồng bộ. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được thu hẹp, giảm động cơ đầu cơ ngoại tệ. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước để điều tiết lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu chính phủ, giúp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Kết quả, đến cuối năm 2024, tỷ giá VND/USD ghi nhận mức mất giá 5,03% vào cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với nhiều nơi trong khu vực. Đáng chú ý, các đồng tiền lớn như yên Nhật, won Hàn Quốc hay đôla Đài Loan đều mất giá trên 10%.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo các chính sách kinh tế của Mỹ, đặc biệt là việc tăng thuế nhập khẩu, sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên dòng vốn toàn cầu và tỷ giá tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Nhà điều hành tiền tệ cho biết sẽ tập trung vào các nhiệm vụ kép trọng tâm, bao gồm kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và lãi suất, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 2 chữ số như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Tỷ giá được dự báo ra sao?
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng sau sự trở lại của ông Donald Trump với vị trí là Tổng thống Mỹ và rất nhiều thay đổi về chính sách mà ông sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, kể từ ngày 20/1. Giới chuyên gia tại đây đánh giá đồng Việt Nam (VND) vẫn dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài như chính sách lãi suất của Fed.
Ngoài ra, sự mất giá của đồng nhân dân tệ cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến VND, khi Việt Nam có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Năm ngoái, tỷ giá đã kết thúc năm 2024 ở mức thấp kỷ lục 25.485 đồng/USD, giảm 5% so với đầu năm và đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp suy yếu.
Năm 2025, cơ quan này dự kiến VND sẽ tiếp tục chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sức mạnh của đồng USD và những bất ổn từ chính sách kinh tế quốc tế.
Với những bất lợi bên ngoài khó có thể biến mất trong thời gian ngắn, VND có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD. UOB dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.800 đồng trong quý I, 26.000 đồng trong quý II, 26.200 đồng trong quý III và 26.000 đồng trong quý IV.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, sức mạnh đồng USD vẫn là yếu tố chi phối lớn tới tỷ giá trong năm 2025.
Cụ thể, xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Có thể Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hơn so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn. USD cũng có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.
Dù vậy, theo vị này, thị trường ngoại hối vẫn có thể ghi nhận những yếu tố tích cực, trong bối cảnh cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư lớn khi các nền kinh tế lớn phục hồi. Chưa kể, nhà điều hành tiền tệ có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.