Mua ngân hàng 0 đồng: Sòng phẳng, cứng rắn với đại gia

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng tuyên bố, giai đoạn để cho các ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu đã qua. Đã đến lúc các ngân hàng lớn vào cuộc, cần thiết sẽ có sự can thiệp của NHNN. Việc mua lại VNBC với giá 0 đồng đã cho thấy điều này.

Phát lệnh giai đoạn 2 tái cơ cấu

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) đã trở thành NH 100% vốn nhà nước sau quyết định mua với giá 0 đồng/cổ phần. Đây là lần đầu tiên NHNN tham gia cơ cấu một NHTM theo cách này cho dù đã có chế cho phép NHNN tham gia góp vốn từ cuối năm 2013 theo Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, thương vụ còn dựa trên Luật Các TCTD và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, trong quá trình kinh doanh, VNCB đã mất vốn, nợ xấu cao hơn vốn điều lệ. Do vậy, việc NHNN mua lại với giá 0 đồng thực chất là quốc hữu hóa nhằm tránh đổ vỡ. Khách hàng được đảm bảo quyền lợi nhưng cổ đông tham gia góp vốn sẽ không còn quyền lợi bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Đây là điều bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về vụ việc này, các chuyên gia đều thống nhất rằng, việc mua lại VNCB là phương án tốt nhất mà NHNN muốn thể hiện trách nhiệm với người gửi tiền. Thông điệp NHNN đưa ra là sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm các khoản nợ của NH này, còn các cổ đông đương nhiên phải mất trắng vì kinh doanh yếu kém dẫn đến tình trạng mất vốn. Đây cũng là cách mà một số nước trong khu vực đã thực hiện trong thời gian qua. Nó giúp tránh phản ứng tiêu cực dây chuyền trong hệ thống.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, VNCB có thể đã mất hết vốn nhưng trên bảng cân đối, nợ và tài sản vẫn bằng nhau, có thể phát mại tài sản để thanh toán nợ nần, tiền gửi. Tuy nhiên, trên thực tế, NHNN mua lại để nhằm củng cố và phục hồi lại VNCB trước khi bán lại TCTD này cho các NĐT khác.

Ngân hàng TMCP Xây dựng đã trở thành NH 100% vốn nhà nước sau quyết định mua với giá 0 đồng/cổ phần

Ngân hàng TMCP Xây dựng đã trở thành NH 100% vốn nhà nước sau quyết định mua với giá 0 đồng/cổ phần

"Vấn đề mấu chốt là, VNCB đã mất vốn và nhóm cổ đông hiện hữu không thông qua phương án bổ sung vốn do vậy NHNN buộc phải can thiệp để không làm xáo trộn hệ thống. Như vậy, các cổ đông thậm chí còn có lợi bởi không phải chịu trách nhiệm với những khoản nợ nếu có của VNCB", một chuyên gia nhìn nhận.

Còn theo NHNN, nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ giúp VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu đã được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN tham gia vào VNCB để củng cố, phục hồi lại hoạt động và mục tiêu quan trọng là đảm bảo thanh khoản, đảm bảo có tiền trả cho người dân.

Trên thế giới, việc NH trung ương mua lại toàn bộ hay một phần NHTM không hiếm và sẽ bán cho các NĐT khác sau khi xử lý vướng mắc, ổn định lại hoạt động. Đại diện NHNN cũng khẳng định, kinh doanh phải chấp nhận cuộc chơi, NHNN chịu trách nhiệm với người gửi tiền, còn NĐT làm ăn yếu kém mất vốn phải chịu.

Lời cảnh báo rõ ràng

Vụ xóa quyền sở hữu của các cổ đông Ngân hàng Xây dựng có lẽ là phát súng thanh lọc hệ thống đầu tiên mà NHNN thực hiện trong năm 2015.

Vụ việc này cho thấy, NHNN không chỉ hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền mà còn tỏ rõ quyết tâm thanh lọc, lành mạnh hóa hệ thống NH vốn gặp nhiều trục trặc trong vài năm gần đây. Việc toàn bộ 551 cổ đông VNCB bị tước quyền sở hữu sau khi hàng loạt lãnh đạo của VNCB đã bị khởi tố cho thấy, NHNN sẽ làm đến cùng, không bằng cách này thì cách khác, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý nhóm lợi ích trong hệ thống NH.

Trên thực tế, hoạt động của VNBC đã được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ giám sát do NHNN thành lập từ năm 2012 và gần đây Vietcombank cũng đã được lựa chọn tham gia vào phương án cơ cấu VNCB. Ưu tiên khi đó, theo Phó thống đốc NHNN ông Nguyễn Phước Thanh trong lễ ký kết hợp tác VCB-VNCB hồi đầu tháng 8/2014, là để hỗ trợ nguồn vốn cho VNCB đảm bảo chi trả kịp thời cho người gửi tiền và các giao dịch kinh doanh tiền tệ khác khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, diễn biến tái cấu trúc VNCB dường như không thuận khi đại hội cổ đông bất thường năm 2015 lần 3 diễn ra vào 31/1 đã không thể thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn của NH bằng vốn pháp định.

Chia sẻ về vụ việc VNCB cũng như kế hoạch tái cơ cấu hệ thống trong năm 2015, đại diện NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục xử lý các NH tương tự. NHNN sẽ bơm tiền thực vào tạo thanh khoản và vực dậy các NHTMCP yếu kém và như các nước khi NH phục hồi, được giá sẽ bán ra để rút vốn về hoặc cho sáp nhập vào NH khác.

Trong Chỉ thị 01 và 02/CT-NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã vạch ra kế hoạch thanh lọc hệ thống một cách rất mạnh mẽ. Theo đó, lần đầu tiên NHNN sẽ áp thời hạn và hạn mức xử lý nợ xấu cụ thể. Đây là một trong số các biện pháp sẽ làm để các ngân hàng sống khỏe.

Cũng theo NHNN, các NH sẽ buộc phải chấp hành phân loại nợ theo Thông tư 02, 09 và tuân thủ các quy định trong Thông tư 36" mà mục đích là bắt buộc các NH phải xử lý nợ xấu một cách rốt ráo nhất, đồng thời xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định, vốn một thời gây ra tình trạng chi phối, ảnh hưởng tới chất sự an toàn của các NH.

Theo Lê Hà
VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”