(Dân trí) - Một số ngành nghề hưởng lợi từ các yếu tố khách quan trên thị trường, tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng đồng thời ăn mòn lợi nhuận của lĩnh vực khác.
Lợi nhuận doanh nghiệp: Ngành bay cao, nơi chật vật
Một số ngành nghề hưởng lợi từ các yếu tố khách quan trên thị trường, tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng đồng thời ăn mòn lợi nhuận của lĩnh vực khác.
DOANH NGHIỆP THÉP LẠI THẮNG LỚN
"Vua thép" Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát, mã chứng khoán: HPG) đạt doanh thu thuần hơn 35.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 70% so với quý II/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép này lên tới gần 67.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ tăng mạnh doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát cũng tăng mạnh. Quý II vừa qua, biên lãi gộp lên tới gần 33%, mức cao kỷ lục với doanh nghiệp này.
Nhờ đó, lãi sau thuế quý II của "vua thép" là gần 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 250% so với cùng kỳ 2020. Còn sau 6 tháng, lãi ròng đạt hơn 16.700 tỷ đồng, tăng hơn 150%. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long gần như chắc chắn sẽ vượt xa mục tiêu lợi nhuận 18.000 tỷ đồng trong năm nay khi đã gần hoàn thành kế hoạch dù chỉ mới 1/2 chặng đường đi qua.
Mức tăng trưởng "khủng" cũng được ghi nhận tại các doanh nghiệp cùng ngành thép như Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), Nam Kim (mã chứng khoán: NKG).
Hoa Sen có doanh thu tăng trưởng gần 90% trong quý II, đạt doanh số hơn 13.000 tỷ đồng. Biên lãi gộp cao hơn nhiều cùng kỳ giúp lợi nhuận ròng tăng vọt hơn 400% lên 1.700 tỷ đồng.
Với quy mô nhỏ hơn, Nam Kim tăng trưởng 200% trong quý II, đạt doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng. Tổng doanh số sau 6 tháng của Nam Kim lên tới gần 12.000 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2020.
Với biên lãi gộp gấp 4 lần cùng kỳ 2020, lãi sau thuế của Nam Kim quý II đạt gần 850 tỷ đồng, gấp 50 lần so với cùng kỳ 2020. Sau nửa năm, doanh nghiệp thép này báo lãi gần 1.200 tỷ đồng trong khi mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021 chỉ 600 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thép "bay cao" khi tổng doanh số bán hàng trên toàn thị trường, sản lượng sản xuất và đặc biệt là giá bán thép đều tăng mạnh.
NHÀ THẦU XÂY DỰNG CHẬT VẬT THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Trong khi doanh nghiệp thép lãi lớn, hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu xây dựng lớn lại giảm rõ rệt. Với giá trị hợp đồng đã được ký kết từ trước, sắt thép nói riêng và các vật liệu xây dựng tăng giá sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng.
Tại Coteccons (mã chứng khoán: CTD), doanh thu thuần quý II sụt giảm 36% so với cùng kỳ năm trước còn 2.550 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý vừa qua cũng sụt giảm còn 5,3%. Lãi sau thuế của Coteccons theo đó chỉ còn 45 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ 2020.
Sau 6 tháng, doanh thu của doanh nghiệp xây dựng này đạt 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận ròng chỉ 99 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh cả năm 2021, doanh nghiệp này chưa hoàn thành đến 30% mục tiêu sau 6 tháng.
Một doanh nghiệp đầu ngành xây dựng khác là Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) dù ghi nhận doanh số quý II tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ suất lãi gộp giảm gần 2%.
Hòa Bình lãi đột biến 58 tỷ đồng trong quý II nhưng phần lớn nhờ khoản thu bất thường từ hoạt động tài chính 65 tỷ đồng. Sau 6 tháng, nhà thầu này báo lãi sau thuế 67 tỷ đồng, chưa cán nổi mốc 30% kế hoạch cả năm.
Còn ở Ricons, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 3.042 tỷ đồng, nhỉnh hơn 11% so với cùng kỳ nhưng biên lãi gộp lại sụt giảm 1,5%. Sau cùng, lợi nhuận ròng bán niên giảm gần 40% còn 57 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, công ty xây dựng này chưa hoàn thành 40% chỉ tiêu.
NGÀNH VẬN TẢI BIỂN LÃI ĐẬM
Tương tự ngành thép, một lĩnh vực khác ghi nhận nhiều doanh nghiệp tăng vọt lợi nhuận là cảng biển, vận tải biển.
Sau 6 tháng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines (mã chứng khoán: MVN) đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng. Doanh thu tăng hơn 20% cộng với biên lãi gộp tăng gần 10% giúp lãi ròng của Vinalines gấp 8 lần cùng kỳ 2020 đạt 1.066 tỷ đồng.
Vinalines là doanh nghiệp quản lý hầu hết cảng biển lớn trên cả nước như Cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn.
Một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh lĩnh vực cảng biển là Gemadept (mã chứng khoán: GMD) cũng tăng trưởng mạnh. Doanh thu 6 tháng đầu năm của Gemadept đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới gần 40% so với cùng kỳ năm trước lên 350 tỷ đồng. Công ty đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm sau 1/2 thời gian.
Không chỉ các đơn vị khai thác cảng biển, những đơn vị vận tải biển lãi lớn. Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) cũng tăng trưởng doanh thu gần 50% và tăng lợi nhuận gần 30% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2020. Báo lãi 149 tỷ đồng, công ty này đã gần cán đích mục tiêu lãi cả năm 158 tỷ đồng chỉ sau 2 quý.
Còn Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam - Vosco (mã chứng khoán: VOS) báo lãi 222 tỷ đồng sau nửa năm trong khi cùng kỳ 2020 còn lỗ gần 120 tỷ đồng. Kết thúc kỳ bán niên, Vosco đạt lợi nhuận gấp hơn 7 lần so với chỉ tiêu cho cả năm nay.
Các đơn vị khai thác cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi thị trường phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, giá cước vận tải biển tăng cao do thiếu hụt container cũng góp phần vào mức lợi nhuận "khủng" của các doanh nghiệp trong ngành.
LỢI NHUẬN DOANH NGHIỆP THỦY SẢN BỊ ĂN MÒN
Tuy nhiên, niềm vui của ngành này lại có thể là cơn đau đầu của lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, nhiều doanh nghiệp thủy sản phải chịu đựng chi phí vận tải tăng cao khiến lợi nhuận bị bào mòn.
Các thị trường xuất khẩu đều phục hồi khả quan, doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra là Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng tới 25% so với cùng kỳ 2020 trong 6 tháng đầu năm lên 4.131 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng vọt khiến niềm vui của doanh nghiệp không trọn vẹn. Lãi sau thuế bán niên của Vĩnh Hoàn chỉ tăng vỏn vẹn 4%, đạt 392 tỷ đồng trước thực tế biên lợi nhuận bị bào mòn.
Nam Việt (mã chứng khoán: ANV), một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khác tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long thậm chí chứng kiến lãi ròng sụt giảm 25% trong quý II chỉ còn 24 tỷ đồng. Dù doanh số tăng hơn 20%, chi phí vận chuyển cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước khiến Nam Việt bị ăn mòn lợi nhuận.
Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (mã chứng khoán: THP) thậm chí không thể bảo toàn lợi nhuận khi chi phí tăng cao. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2020 nhưng Thuận Phước chỉ có lãi 20 tỷ đồng, sụt giảm 20%.