1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Siêu máy tính của NASA tìm thấy "thiên hà thu nhỏ" tại rìa hệ Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Siêu máy tính Pleiades của NASA đã mô phỏng thành công cấu trúc của một vật thể kỳ lạ, tương tự như một thiên hà thu nhỏ, cách Hệ Mặt Trời không xa.

Siêu máy tính của NASA tìm thấy thiên hà thu nhỏ tại rìa hệ Mặt Trời - 1

Nghiên cứu mới hé lộ hình dạng bí ẩn của Đám mây Oort - lớp vỏ xa xôi chứa vô số vật thể băng giá - nằm ở rìa hệ Mặt Trời (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Đám mây Oort là vật thể bí ẩn, có thể giải mã nguồn gốc của nhiều sao chổi trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Dẫu vậy, mãi tới ngày nay, các nhà thiên văn học vẫn chưa thể quan sát thấy hình dạng thực của nó.

Thế nhưng, một bước tiến lớn trong việc mô phỏng hình dạng của Đám mây Oort đã được thực hiện. Bằng cách sử dụng thông tin từ quỹ đạo của sao chổi và lực hấp dẫn từ cả bên trong lẫn bên ngoài Hệ Mặt Trời, họ đã thành công xây dựng mô hình cấu trúc bí ẩn của vật thể.

Theo báo cáo, khi mô hình được chạy trên siêu máy tính Pleiades, nó đã tiết lộ rằng phần dày đặc nhất của Đám mây Oort có thể có hình dạng giống một đĩa xoắn ốc, tương tự như cấu trúc của Dải Ngân Hà.

Theo các nhà khoa học, rìa trong của Đám mây Oort nằm ở khoảng cách từ 2.000 đến 5.000 đơn vị thiên văn (AU), trong khi rìa ngoài có thể kéo dài tới 100.000 AU. Trong đó, các nhánh xoắn ốc của Đám mây Oort theo mô hình này kéo dài tới 15.000 AU.

Chú thích: Một đơn vị thiên văn (AU) tương đương với khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời (khoảng 150 triệu km).

Điều này có nghĩa là với tốc độ trung bình của tàu vũ trụ NASA Voyager 1, nó sẽ không thể đến được Đám mây Oort trong vòng 300 năm và phải mất thêm 300.000 năm nữa mới có thể thoát khỏi đám mây này.

Do khoảng cách quá lớn và ánh sáng phát ra vô cùng yếu ớt, Đám mây Oort chưa bao giờ được quan sát trực tiếp. Phần lớn thông tin về nó đến từ các sao chổi có chu kỳ dài - những thiên thể băng giá bị đẩy vào hệ Mặt Trời do nhiễu loạn lực hấp dẫn.

Theo một số giả thuyết, Đám mây Oort bắt đầu như những tàn tích chưa sử dụng của các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời như Sao Mộc, Sao Hải Vương, Sao Thiên Vương và Sao Thổ, sau khi chúng hình thành cách đây 4,6 tỷ năm. Một số tàn tích này lớn đến mức có thể được coi là hành tinh lùn.

Khi các hành tinh này bắt đầu quay quanh Mặt Trời, chuyển động của chúng đã đẩy vật chất dư thừa ra xa khỏi quỹ đạo của Sao Diêm Vương, nơi chúng cư trú ngày nay.

Việc hiểu rõ cấu trúc của Đám mây Oort không chỉ giúp các nhà khoa học lý giải nguồn gốc của các sao chổi, mà còn cung cấp thông tin về sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời.

Dẫu vậy, việc xác nhận cấu trúc này thông qua quan sát thực tế vẫn là một thách thức lớn. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu sẽ cần theo dõi trực tiếp các vật thể trong Đám mây Oort hoặc tìm cách thu nhận ánh sáng phản xạ từ chúng. Đây đều là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn do khoảng cách và sự mờ nhạt của các vật thể.

Theo www.livescience.com