Hà Nội cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab

(Dân trí) - Trong nội dung Công văn số 6450/VP-ĐT, ban hành ngày 10/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề nghị sở, ngành liên quan không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng.

UBND Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản số 6781/BC-BGTVT ngày 22/6/2017 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng.

Trong văn bản này, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63 ngày 7/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Qua thời gian cho phép thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, Hà Nội hiện có trên 4.000 xe hoạt động theo loại hình này (ảnh minh họa).
Qua thời gian cho phép thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, Hà Nội hiện có trên 4.000 xe hoạt động theo loại hình này (ảnh minh họa).

Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành như đã nêu trên, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không triển khai dịch vụ tương tự (hình thức đi chung xe) đối với xe hợp đồng.

Tất cả các đơn vị tham gia thí điểm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng ban hành kèm theo Quyết định số 24 ngày 7/1/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Các Sở GTVT địa phương có hoạt động thí điểm tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Về việc trên, UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu chỉ đạo của Bộ GTVT; tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Hà Nội là một trong các địa phương được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn cho Uber, Grab thí điểm triển khai đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách tại thị trường Việt Nam.

Hồi tháng 4, tại một buổi họp sơ kết thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ kết nối vận tải do Bộ GTVT tổ chức, đại diện Sở GTVT Hà Nội lúc đó cho hay, qua thời gian cho phép thí điểm loại hình vận tải hợp đồng điện tử, Hà Nội có trên 4.000 xe, tốc độ phát triển quá nhanh.

“Chúng tôi không thể quản lý được logo, số lượng xe cũng không thể nắm được xe nào hoạt động theo hình thức hợp đồng điện tử xe nào không”, vị này cho biết.

Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TPHCM cũng phản ánh, địa phương này đã cấp 22.000 xe 9 chỗ trở xuống kinh doanh dịch vụ hợp đồng điện tử, số lượng đã rất lớn. Do đó, TPHCM cũng đang “bó tay” trong quản lý xe kiểu này.

Bích Diệp