Dừng khẩn cấp Uber, Grab: Bộ Giao thông nói gì?
(Dân trí) - Liên quan đến kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động Uber, Grab của Hiệp hội taxi Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: “Đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm”.
Cuối tuần trước, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - đã ký văn bản gửi tới các cơ quan có trách nhiệm, trong đó kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017 và tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về những kiến nghị liên quan đến Grab và Uber, đặc biệt là kiến nghị dừng khẩn cấp của 2 đơn vị này.
Đề cập đến kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, các xe hợp đồng hoạt động kiểu Uber, Grab không bị quản lý, không bị ràng buộc như taxi truyền thống, gây thiệt thòi và bất công bằng đối với taxi truyền thống, đại diện Bộ GTVT khẳng định: “Nói xe hợp đồng không bị quản lý là không đúng, xe hợp đồng mắc lỗi nhiều và bị xử lý cũng rất nhiều”.
Theo đại diện Bộ GTVT, bản chất của hoạt động Uber và Grab chỉ là hình thức thay hợp đồng bằng giấy sang hợp đồng điện tử. Là Uber, Grab hay các taxi truyền thống thì đều phải đăng ký kinh doanh, có phù hiệu, niêm yết tên của doanh nghiệp, số điện thoại, giá, có giám sát hành trình.
“Việc giám sát hành trình của Uber, Grab cũng giống như taxi truyền thống và đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý. Trong khi đó, vi phạm của Uber, Grab và taxi truyền thống thông qua giám sát hành trình cũng phát hiện được rất nhiều và cũng bị xử phạt như nhau theo quy định, bao gồm cả rút giấy phép kinh doanh...” - đại diện Bộ GTVT thông tin.
Đại diện Bộ GTVT cho hay, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe ý kiến và giải quyết những vấn đề của taxi truyền thống và Uber, Grab. Trong số các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, hiện có 8 đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab, dịch vụ đặt chỗ không chỉ là phần mềm cài đặt trên điện thoại mà còn sử dụng cả mạng xã hội facebook.
“Vấn đề nằm ở chỗ, một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng.” - đại diện Bộ GTVT nói.
Về việc taxi truyền thống “tố” Uber trốn thuế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Uber có vi phạm quy định thì trách nhiệm giải quyết, truy thu thuộc cơ quan thuế, vi phạm về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến khác, gần đây nhiều tài xế của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống tại Hà Nội và TPHCM đồng loạt xin nghỉ việc, nguyên nhân được cho là vì áp lực cạnh tranh với Uber, Grab quá lớn.
Trả lời PV Dân trí về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết: Không phải các tài xế mất việc, mà họ nghỉ việc ở taxi truyền thống để chuyển sang kinh doanh Uber, Grab. Thực chất đây chỉ là việc chuyển từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, từ taxi truyền thống sang Uber, Grab.
“Vì sao tài xế taxi truyền thống chuyển sang chỗ khác để làm? Vì ở đó tốt hơn. Khi làm việc cho 1 hãng taxi họ chỉ được hiểu là người tài xế, nhưng khi chuyển sang hình thức xe hợp đồng điện tử, người lái xe chủ động hơn, được là một chủ thể kinh doanh và được giao dịch trực tiếp với hành khách thông qua các đơn đặt hàng điện tử, trách nhiệm của họ cũng được nâng cao hơn, thu nhập cũng tốt hơn, vì thế họ lựa chọn” - đại diện Bộ GTVT lý giải.
Trên thực tế, Uber, Grab tồn tại và phát triển được hay không do người dân, hành khách lựa chọn sử dụng. Với taxi truyền thống, cần thay đổi tư duy kinh doanh vận tải và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Châu Như Quỳnh