“Giải cứu” người nuôi heo: Trước mắt phải giảm giá bán thịt để kích thích thị trường

(Dân trí) - Hầu hết các ý kiến đều cho rằng để “giải cứu” người nuôi heo, biện pháp trước mắt là phải giảm được giá bán thịt để kích thích thị trường.

Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN- PTNT) cùng UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc nhằm tìm phương án “giải cứu” người chăn nuôi heo tại địa phương này.

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt khoảng 1,7 triệu con (giảm 16,3% so với hồi tháng 1). Trong đó, đàn heo nuôi theo hình thức trang trại chiếm tỷ lệ 69% và chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31% tổng đàn.

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, hiện chỉ còn ở mức từ 22.000 đến 24.000 đồng/kg. Với giá thành như hiện nay, người nuôi heo đang lỗ 7.000 đến 11.000 đồng/kg heo bán ra.

Dù hiện nay giá bán heo hơi đang ở mức thấp, tuy nhiên giá bán thịt đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao. “Các khâu trung gian đang thu lợi từ 44.000 đến 64.000 đồng trên mỗi kg thịt heo”, ông Báu cho hay.

Theo ông Báu, hiện thương lái mua heo hơi tại các cơ sở chăn nuôi với giá khoảng 24.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, bán cho các tiểu thương, hộ kinh doanh thịt với giá 36.000 đồng/kg. Thế nhưng, giá bán thịt heo tại các chợ vẫn đang ở mức khoảng 80.000 đồng/kg.


Theo khảo sát của Sở Công Thương Đồng Nai, giá bán thịt heo tại các chợ, trung tâm thương mại vẫn ở mức cao trong khi giá heo hơi giảm trong thời gian dài.

Theo khảo sát của Sở Công Thương Đồng Nai, giá bán thịt heo tại các chợ, trung tâm thương mại vẫn ở mức cao trong khi giá heo hơi giảm trong thời gian dài.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều cho rằng để “giải cứu” người nuôi heo, biện pháp trước mắt là phải giảm được giá bán thịt để kích thích thị trường.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh có cơ chế bố trí mặt bằng tại các chợ trên địa bàn TP Biên Hòa để Hiệp hội mở các quầy sạp bán thịt với giá bán thấp hơn giá thị trường hiện nay. Ngoài ra, để góp phần giải phóng lượng heo tồn trong dân, các cơ quan chức năng cũng nên kết nối với các khu công nghiệp để tiêu thụ.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đưa ra giải pháp người chăn nuôi nên giảm đàn. Theo đó, người chăn nuôi cần phải thải loại heo nái kém chất lượng, đồng thời thực hiện các giải pháp kích thích thị trường tiêu thụ heo sữa. Theo vị đại diện này, nếu nâng được nhu cầu tiêu thụ heo sữa, sau khoảng 5 tháng sản lượng heo thịt cung cấp cho thị trường sẽ giảm. Qua đó sẽ kéo được giá heo hơi tăng lên.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, có hệ thống kho lạnh thực hiện việc cấp đông thịt nhằm giảm nguồn cung ra thị trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, giải pháp cần thực hiện ngay hiện nay để hỗ trợ người chăn nuôi là “làm sao để rút ngắn con đường đưa heo từ hộ chăn nuôi đến các nơi tiêu thụ”.

Ông Chánh đã giao Sở Công Thương Đồng Nai xem xét bố trí mặt bằng phù hợp, đảm bảo các quy định tại các chợ để Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai tổ chức các quầy bán thịt heo giảm giá nhằm kích thích thị trường. Đồng thời, tổ chức làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp để kết nối đưa thịt heo đến các chợ công nhân.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc tìm giải pháp giải cứu người nuôi heo chiều 27/4.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc tìm giải pháp giải cứu người nuôi heo chiều 27/4.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh Đồng Nai cần làm việc với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm kêu gọi giảm giá bán cám để chia sẻ khó khăn với người dân.

“Sáng nay đoàn công tác của Bộ đã làm việc với 5 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Họ đã cam kết giảm 200 đồng/kg thức ăn các loại. Như vậy đã giảm cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 100 tỷ đồng tháng”, ông Tám cho hay.

Vĩnh Thủy

Dòng sự kiện: Giải cứu lợn thịt