1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đánh thuế tiền gửi ngân hàng: Doanh nghiệp chịu thuế hai lần?

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiền gửi, tiền cho vay của các doanh nghiệp là cách làm không ổn trong bối cảnh hàng tồn kho không bán được, việc mở rộng đầu tư mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội. Đặc biệt, nếu áp dụng, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế hai lần.

Đánh thuế tiền gửi ngân hàng: Doanh nghiệp chịu thuế hai lần?
Đề xuất đánh thuế tiền gửi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của Bộ Tài chính không nhận được nhiều ủng hộ.

 

Có tận thu?

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi từ việc cho vay vốn dưới mọi hình thức là một quy định không có ý nghĩa. Nếu đưa ra quy định này để khống chế doanh nghiệp gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng phải mang ra khai thác, kinh doanh là cách làm chưa thấu tình đạt lý.

 

Theo ông Mười, với tình hình kinh doanh hiện nay, chẳng có mấy doanh nghiệp dư thừa tiền mặt đến mức dồn cả “cục” vào gửi ngân hàng để khai thác lấy lãi. Doanh nghiệp có gửi tiền vào ngân hàng chẳng qua do chưa có kênh đầu tư mới hoặc do dự án chưa triển khai được.

 

“Không có một doanh nghiệp nào chọn cách dùng tiền lãi của mình để khai thác theo kiểu đó cả. Doanh nghiệp không ai thụ động với đồng tiền mình làm ra cả. Với tình hình khó khăn như thế này, buộc doanh nghiệp đẩy tiền ra đầu tư mà không có đầu ra vậy có đúng”, ông Mười đặt câu hỏi.

 

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thế này, không nên tính đến việc đánh thuế lãi gửi tiết kiệm của doanh nghiệp. Nếu đánh thuế sẽ nảy sinh hiện tượng thuế chồng thuế. TS Cao Sỹ Kiêm

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cũng cho rằng, việc quy định đánh thuế tiền lãi gửi ngân hàng là việc chỉ đúng về mặt lý thuyết và đây là cách làm không hay ho.

 

“Vấn đề Bộ Tài chính sẽ dùng biện pháp gì để quản lý. Ngân hàng có quy định phải bảo mật thông tin cho khách hàng. Nếu doanh nghiệp không vi phạm pháp luật và họ yêu cầu không tiết lộ thì Bộ Tài chính có cách gì để biết. Xây dựng luật phải sát với thực tế. Cách quy định này khiến doanh nghiệp khó chịu vì bị áp đặt trong mệnh lệnh hành chính đồng thời cảm thấy bị tận thu”, vị này phân tích.

 

Bà Nguyễn Thanh Hồng, Phó giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội thẳng thắn, với những quy định kiểu “ngồi phòng máy lạnh vẽ voi” này sẽ khiến doanh nghiệp tìm cách lách, thậm chí dùng tiền sai mục đích đầu tư ban đầu.

 

Theo bà Hồng, “Dự thảo chỉ nói là tiền lãi bị đánh thuế mà không đưa ra mức cụ thể cũng không nói rõ là áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước hay với toàn bộ các doanh nghiệp. Đây là cách làm không khoa học. Hàng năm chúng tôi đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên số tiền lãi thu được. Với doanh nghiệp Nhà nước thì không nói. Họ có vốn đầu tư của Nhà nước chỉ cần có chút lãi là được. Còn doanh nghiệp chúng tôi chắt chiu từng đồng tiền lãi để gửi ngân hàng phòng khi gặp khó khăn.

 

Doanh nghiệp chịu thuế hai lần?

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Tổng cục Thuế cho rằng, việc ban hành quy định này nhằm hướng tới các “tay to” là các doanh nghiệp nhà nước có nhiều tiền mặt và thường xuyên mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi. Theo vị này, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp lớn cho thấy, có những doanh nghiệp trong các năm qua mang hàng chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi. Số lãi thu được hàng năm từ các khoản tiền gửi này cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng giúp doanh nghiệp rất ung dung, không phải lo lăn lộn kinh doanh so với nhiều doanh nghiệp khác.

 

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đề xuất đánh thuế tiền gửi doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý đề cập nhiều lần trong thời gian qua. Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Tài chính cần có sự phân tích kỹ trước khi đi quyết định áp dụng chính thức.

 

Theo ông Kiêm, để hướng dòng tiền của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh có nhiều cách khác nhau chứ không nên áp dụng việc đánh thuế dù đây là cách một số nước đã làm trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định.

 

Chẳng hạn, muốn doanh nghiệp phải mang tiền đi đầu tư, chỉ cần áp dụng mức lãi suất thật thấp, thậm chí chỉ 1%/năm với tiền gửi của các tổ chức. Như vậy sẽ hạn chế được việc doanh nghiệp phải tìm cách sinh lợi cao hơn thay vì “há miệng chờ sung” từ tiền lãi gửi ngân hàng.

 

Theo Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, quy định doanh nghiệp phải đóng thuế cho khoản tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gửi ngân hàng là việc không hề mới. Đây là thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh vào đối tượng là doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Có những doanh nghiệp coi gửi tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư. Đặc biệt là với những doanh nghiệp đặc thù có nguồn tiền nhàn rỗi lớn như các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy việc áp thuế thu nhập thu trên tất cả các nguồn của doanh nghiệp là bình thường và hợp lý.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm