Giao thông Hà Nội với những “sáng kiến” sánh ngang… “tối kiến”!

(Dân trí) - Nếu đặt câu hỏi rằng có một bài toán nào khó giải nhất thì có lẽ không ai không nghĩ đến bài toán về giao thông Hà Nội. Hình như nó còn khó hơn cả cái “Bổ đề” của GS. Ngô Bảo Châu hay bài toán Fermat lớn. Bằng chứng là đã nhiều, rất nhiều đời lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nhưng giao thông Hà Nội vẫn như gà mắc tóc. Loay hoay trong tắc và tắc….

 

(Minh hoa: Ngọc Diệp)
(Minh hoa: Ngọc Diệp)
Loay hoay, trăn trở và đã nghĩ ra đủ các “sáng kiến” để “thử nghiệm” từ thay đổi giờ học, xe số chẵn ngày lẻ - xe số lẻ ngày chẵn, cấm xe các tỉnh vào Thủ đô hay rào ngã ba, ngăn ngã tư cho đến phân luồng ô tô, xe máy… Song, tất cả đều thất bại.

Phương pháp thay đổi giờ học bị phá sản ngay lập tức vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành của thế hệ tương lai.

Cấm xe ngoại tỉnh vào Hà Nội thì bị phản đối vì “nguy cơ” lỡ các tỉnh cũng sẽ… cấm xe Thủ đô đi về các địa phương.

 Bài toán “lẻ - chẵn” bị dư luận phản đối vì cho là ngô nghê đến không tưởng.

Rào ngã ba, ngăn ngã tư đã tiêu tốn hàng chục tỉ đồng song cũng không hiệu quả.

Giờ đây, việc phân luồng bằng giải phân cách cứng cũng gặp nhiều phản ứng vì sự nguy hiểm.

Trước những bức xúc của cử tri Quận Hai Bà Trưng tại cuộc gặp gỡ ngày 24/9, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết, cá nhân ông cũng đã nhiều lần nhắc Sở GTVT sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách này đồng thời đề nghị:

“Lý do làm dải phân cách cứng để người điều khiển phương tiện giao thông không được đi sang làn xe khác. Nhưng dư luận hiện nay không đồng tình vì cách làm đó rất nguy hiểm. Có Phó Giám đốc Sở GTVT ở đây tôi đề nghị nghiên cứu nếu thấy ý kiến đó là đúng thì phải bỏ dải phân cách cứng đi, thay vào đó bằng vạch sơn”, ông Nghị nói.

Đã có biết bao nhiêu vụ đâm vào vạch ngăn cách gây thương vong? Một trăm, một ngàn hay một vạn vụ? Không có con số chính xác vì không có thống kê. Nhưng với những gì mà cử tri phản ánh và cả những vết tích chằng chịt trên các vạch ngăn cách đã cho thấy con số này là nhiều và rất nhiều.

Một cử tri ở Xã Đàn cho biết: “Khi mới đặt dải phân cách, đêm nào cũng có người đâm phải. Người nặng thì phải nhập viện, nhẹ thi xe cũng vỡ yếm, vỡ đèn…”.

Chính người viết bài này đã hai lần tận mắt chứng kiến tai nạn do đâm vào giải phân cách. Lần thứ nhất là một chị đèo con nhỏ, xô vào giải phân cách trên đường Phố Huế, chiếc xe đổ nghiêng, cháu bé ngã xuống đường. Thật may, người đi sau dừng lại kịp thời khi bánh xe cách đầu cháu bé chỉ trong gang tấc.

Và lần thứ hai là chính người con rể của mình bị tai nạn do đâm vào giải phân cách dẫn đến bể vùng thận. Rất may, cháu còn trẻ nên sau mấy tháng nằm viện đã hồi phục.

Không biết trong số các bạn đọc bài báo này, có ai đã từng là nạn nhân không nhỉ?

Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn là do lái xe không tập trung quan sát những biển báo.

Bác Phó Giám đốc sở nói chỉ có… đúng trở lên.

Song thưa với bác Tân, nói thì dễ nhưng với thực tế đường phố Hà Nội, người như lèn cối thế này mà đặt ra những điều kiện này nọ thì quả là… hoang đường.

Nó hoang đường không phải sai mà ngược lại, nó đúng đến mức… phi thực tế.

Tranh cãi giữa thực tế và lý thuyết thì dài, rất dài.

Nhưng tóm lại, nói gì thì nói, các bác ăn lương của dân, làm công việc dân giao là về giao thông mà trên hết và trước hết là đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân.

Nếu những “sáng kiến” của các bác mà gây hại cho dân, thậm chí dẫn đến những tai nạn chết người thì dân chúng tôi xin “kiếu” vạn “kiếu”, lạy vạn lạy!!!

Đó là chưa kể mỗi “sáng kiến”, “trưa kiến, “chiều kiến” đến “tối kiến”…. đều phải trả bằng tiền thuế của dân,  phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!