Công an Hà Nội nói gì về việc kê khai 32 thông tin cá nhân?
(Dân trí) - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, cho biết, thu thập thông tin dân cư để tạo lập dữ liệu điện tử được làm thường xuyên nhằm giảm thủ tục hành chính, phiền hà cho công dân. Những tồn tại trong quá trình triển khai được rút kinh nghiệm.
Trước những băn khoăn về việc Công an Hà Nội đến từng hộ dân yêu cầu khai thông tin cá nhân với 32 danh mục thông tin cần kê khai, ngày 18/10, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi trao đổi với các phóng viên báo chí để làm rõ những vấn đề này.
Giảm phiền hà cho dân
Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu nói chung và việc thu thập thông tin dân cư nói riêng là nhiệm vụ được giao. Đây là công việc thường xuyên của cảnh sát khu vực. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Hà Nội đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc (đứng) - Phó Giám đốc CATP Hà Nội - chủ trì buổi trao đổi với báo chí.
Hơn nữa, việc làm này, xuất phát từ tình hình thực tiễn và để thống nhất các văn bản, chỉ đạo của các Bộ ngành nhằm giảm phiền hà cho công dân, giảm thủ tục hành chính, giảm số lần đi lại cho công dân, giảm chi phí in ấn, phô tô các loại giấy tờ (Chứng minh thư, hộ khẩu…) khi đi làm các thủ tục hành chính.
“Phiếu thu thập thông tin dân cư” của Công an thành phố Hà Nội có 32 danh mục thông tin thì trong đó có 31 danh mục trùng với các danh mục đã được quy định. Danh mục địa chị Email và chi tiết nhóm máu (trong phần đặc điểm nhận dạng cá nhân) không được quy định trong các văn bản nêu trên.
Hai thông tin đó, Công an thành phố Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai. Công an thu thập thông tin này với mục đích phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, do không xác định được nhóm máu nhân nên rất khó khăn cho việc cấp cứu nạn nhân” - Phó Giám đốc CATP Hà Nội giải thích.
Thông tin được lưu giữ tuyệt mật
Trước khi thu thập thông tin dân cư, CATP đã yêu cầu các đơn vị cử cảnh sát khu vực xuống từng hộ dân để hướng dẫn giải thích, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số cảnh sát có những thiếu sót như không trực tiếp gặp công dân để giải thích, thu thập thông tin; không kèm theo bản hướng dẫn của Công an thành phố để công dân nghiên cứu, kê khai.
Việc một số cảnh sát khu vực đã giao tổ trưởng tổ dân phố đưa phiếu thu thập thông tin dân cư cho các hộ, công dân kê khai, dẫn đến không hiểu đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của việc cung cấp thông tin cũng là một trong những thiếu sót. “Công an thành phố đã tổ chức rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc thực hiện của lực lượng cảnh sát khu vực” - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết.
Trước những lo ngại về việc thu thập thông tin dân cư có thể làm lộ bí mật cá nhân dẫn tới bị lợi dụng trong những mục đích khác nhau hay không, Đại tá Lê Học Thu - Chánh Văn phòng CATP Hà Nội, khẳng định: “Tài liệu của cảnh sát quản lý nói chung và những thông tin công an thu thập thông tin cá nhân về nguyên tắc là những tài liệu tuyệt mật. Chúng tôi thực hiện đúng nguyên tắc quản lý với tài liệu mật, do vậy không sợ lọt ra ngoài”.
Theo thông tin từ CATP Hà Nội, thực hiện Dự án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thời gian qua, CATP Hà Nội đã thực hiện phiếu điều tra nhân khẩu với 34 danh mục và đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu dân cư ở 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Quang Phong - Tiến Nguyên