Đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng là hợp lý
(Dân trí) - Dự thảo quy định về đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của doanh nghiệp tại các TCTD đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến còn liên tưởng tới đề xuất đánh thuế tiền gửi do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra trước đây…
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo dự thảo này, Bộ Tài chính bổ sung các danh mục phải chịu thuế thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn…
Những quy định mới về việc thu thuế từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn… đang tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận. Một số doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế trên lãi tiền gửi ngân hàng sẽ tạo khó khăn cho doanh nghiệp, bởi trong bối cảnh sản xuất kinh doanh, phần lãi tiền gửi ngân hàng được họ dùng để chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội (xin giấu tên) bày tỏ thái độ: “Đánh thuế từ lãi tiền gửi của doanh nghiệp có phải là cách tận thu của cơ quan chức năng hiện nay hay không? Tôi nghĩ Bộ Tài chính nên xem xét lại, doanh nghiệp gửi vốn vào ngân hàng hiện nay là để bảo toàn vốn, lẫy lãi chi lương, thưởng cho người lao động”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng là một ý tưởng mới. Bộ Tài chính đưa lãi tiền gửi của doanh nghiệp vào đối tượng thu nhập chịu thuế là có lý của họ. Có thể Bộ Tài chính muốn doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, thay vì gửi vốn vào ngân hàng để lấy lãi như hiện nay”.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, đây cũng là cách để cơ quan chức năng đốc thúc các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức muốn trì hoãn nộp ngân sách, trì hoãn trả lương cho người lao động, trì hoãn nộp thuế để tranh thủ nguồn tiền gửi ngân hàng lấy lãi.
Ngoài ra, đây cũng có thể là biện pháp để tác động đến các quỹ cảa các tổ chức, tập đoàn lớn không chịu đầu tư vào các công ty con mà tận dụng nguồn tiền để gửi ngân hàng kiếm lời.
“Tôi cho rằng đây là một ý tưởng mới, chúng ta cứ để cho họ làm thử xem. Đây là tính thuế tiền lãi gửi ngân hàng của các tổ chức, doanh nghiệp chứ không phải đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của dân như một số đề xuất trước đây nên sẽ không sợ dân chúng phản ứng”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng khi trao đổi với phóng viên Dân trí cũng bày tỏ thái độ ủng hộ với chủ trương đánh thuế trên lãi tiền gửi của các doanh nghiệp. TS. Hiếu cho rằng: “Chủ trương đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi của doanh nghiệp là hợp lý, phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Các quốc gia trên thế giới đều đã áp dụng hình thức thu thuế này, nhưng tôi xin nhấn mạnh chỉ là lãi từ khoản tiền gửi chứ không được đánh thuế vào khoản tiền gốc”, vị chuyên gia này nói.
Ngoài ra, theo TS. Hiếu, ở các nước trên thế giới, người ta còn thu thuế từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn của doanh nghiệp. TS. Hiếu lấy ví dụ như tại Mỹ, việc đánh thuế được áp dụng theo 2 quy định là đánh thuế liên bang và đánh thuế từng tiểu bang. Với liên bang, mức thu từ 25% - 30% tổng số thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi vay vốn, mua bán ngoại tế… của doanh nghiệp gửi tiền. Còn mức thu ở các tiểu bang thì tùy thuộc vào quy định của mỗi bang.
Cũng theo vị chuyên gia này, đánh thuế lãi tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật cũng là một cách để kích thích doanh nghiệp rót vốn vào sản xuất, kinh doanh, thay vì doanh nghiệp gửi vốn vào ngân hàng để thu lãi. Ngoài ra, nếu chủ trương được thông qua, việc đánh thuế từ tiền lãi gửi ngân hàng của doanh nghiệp cũng đóng góp một phần cho việc thu ngân sách đang bị thâm hụt hiện nay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh thuế từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo đề xuất của Bộ Tài chính có thể gặp sự phản ứng từ phía doanh nghiệp. Dù vậy, đánh thuế vào khoản tiền lãi theo chủ trương của Bộ Tài chính là cần thiết. Đề xuất này khác hẳn với đề xuất đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng mà Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đưa ra trước đây.
“Trên thế giới cũng có một vài mô hình đánh thuế vào khoản tiền gửi của dân, điển hình như chủ trương của đảo Síp thời gian trước đây. Tại Việt Nam, tiền tiết kiệm gốc là tài sản của người dân, của doanh nghiệp không ai được quyền xâm phạm, bởi những khoản tiền này đã phải chịu thuế rồi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền