1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân không bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe mới

"Mỗi một nội dung đều hướng tới mục tiêu quản lý, không phải toàn bộ nội dung đó đều phục vụ tất cả mọi người".

Ông Nguyễn Văn Quyền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, trả lời về chủ trương của Bộ GTVT về cấp mới, đổi 32 triệu GPLX bằng giấy sang làm bằng nhựa để phục vụ công tác quản lý và đáp ứng nhu cầu hội nhập khiến nhiều người băn khoăn.
 
Thưa ông, Bộ GTVT vừa ra quyết định đổi 32 triệu giấy phép lái xe (GPLX) môtô và ôtô bằng giấy bọc nilông sang GPLX bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) từ ngày 1/3/2014. Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Bộ GTVT giải thích, đổi bằng nhựa để chống bằng giả và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Xin ông hãy giải thích rõ hơn về những mục đích này?
 
Do những GPLX bằng giấy trước kia áp dụng công nghệ lạc hậu dễ bị tẩy xóa, làm giả nên Bộ GTVT đã ra quyết định chuyển sang sử dụng chất liệu thẻ nhựa cùng với công nghệ tiên tiến thì tính bảo mật sẽ cao hơn. 

Mặt trước GPLX mẫu mới
 

Mặt trước GPLX mẫu mới

 
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, trên thẻ nhựa sẽ được in hai loại song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Ví dụ người nước ngoài khi vào VN họ có thể sử dụng cho phù hợp, hay những người VN đi ra nước ngoài có thể đổi sang GPLX của nước ngoài  cho thuận tiện, phù hợp. 
 
Quan trọng, khi VN ký hiệp định về sử dụng GPLX, khi đó người VN sẽ được sử dụng GPLX do VN sản xuất ngay tại nước ngoài. 
 
Theo tính toán của Bộ, trong số 32 triệu GPLX sắp phải đổi, bao nhiêu % chủ giấy phép có điều kiện ra nước ngoài để… hội nhập? Hiện Việt Nam ký hiệp định sử dụng GPLX với bao nhiêu nước trên thế giới?
 
Hiện nay chúng tôi chưa có khảo sát cụ thể vì nó tùy thuộc từng thời kỳ, thời điểm, giai đoạn, tùy thuộc vào nhu cầu hội nhập mà có con số thống kê khác nhau. 
 
Hiện nay, VN mới đang trên đường tiến tới hội nhập công ước viên quốc tế về GPLX, nhưng về cơ bản có bao nhiêu nước có quan hệ ngoại giao với VN đều được xem xét để đổi lại GPLX khi đến nước họ.
 
Trong trường hợp người dân không muốn đổi hoặc không có điều kiện tiền bạc, thời gian để đi đổi thì có bị phạt không? 
 
Hiện Bộ GTVT quy định lộ trình từ nay đến 2014 thì tất cả những người sử dụng GPLX ô tô sẽ đều phải đổi mới. Với xe máy, sẽ  theo lộ trình từ 2015-2020, lộ trình này để hướng dẫn người dân có thời gian chuẩn bị đổi thẻ tránh dồn dập, quá tải. 
 
Đối với GPLX vô thời hạn, nhà nước không có quy định ép buộc người dân phải đổi hay xử phạt nếu người dân không muốn đổi. GPLX cũ vẫn được sử dụng bình thường,chỉ đổi lại khi người dân có yêu cầu, hoặc xảy ra tình trạng rách, hỏng, mất.
 
Vậy với những GPLX ô tô vừa được cấp mới, năm 2014 chưa hết hạn thì Bộ sẽ xử lý như thế nào. Thủ tục cấp đổi ra sao? Và ai là người chịu những chi phi ấy? Trong trường hợp người dân không muốn đổi hoặc không đổi thì sao, thưa ông?
 
Trong trường hợp hết năm 2014, GPLX ô tô vẫn còn thời hạn thì người dân vẫn được sử dụng bình thường, không bị phạt. 
 
Lái xe chỉ làm thủ tục cấp, đổi GPLX bằng thẻ nhựa khi hết hạn theo thục tục hồ sơ đăng ký. 
 
Mức phí là 135.000 nghìn do lái xe tự trả.
 
Bộ có lường tới tình huống GPLX cũ bị CSGT phân biệt đối xử, nhũng nhiễu người dân không? Nếu xảy ra tình trạng đó, Bộ sẽ xử lý như thế nào?
 
Chúng tôi chưa đặt ra tình huống này. Nếu có tình trạng đó, thì thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý sẽ phải xem xét xử lý.
 
Có ý kiến cho rằng, thay vì đổi toàn bộ 32 triệu GPLX, Bộ chỉ cấp mới GPLX theo mẫu mới, giữ nguyên giá trị những GPLX mẫu cũ vì thực ra, GPLX mới chỉ thay đổi về mặt chất liệu chứ không tác động gì tới việc quản lý. Ông nghĩ sao về ý kiến này? 
 
Có rất nhiều nội dung quản lý mới trong GPLX bằng nhựa. 
 
Thứ nhất, trên GPLX cũ chỉ có số series phôi thẻ. Giờ ngoài số series, sẽ có thêm một số gắn với người lái xe trong trong suốt quá trình sử dụng. 
 
Thứ hai, tăng tính bảo mật, sử dụng công nghệ hiện đại khắc phục hạn chế làm giả, tẩy xóa GPLX. 
 
Thứ ba, sử dụng song ngữ Việt – Anh phù hợp với hội nhập
 
Thứ tư, hình thành một cơ sở dữ liệu toàn quốc, tất cả những người được cấp GPLX nằm trong cơ sở dữ liệu đó. Lực lượng tuần tra, kiểm soát chỉ bằng một tin nhắn vào cơ sở dữ liệu đó sẽ xác thực GPLX đó là thật hay giả. 
 
Việc hình thành cơ sở dữ liệu như vậy cũng phục vụ cho cả các cơ quan ở nước ngoài. 
 
Ông có thể nói cụ thể số lượng thẻ phải đổi là bao nhiêu? Theo ước tính của Bộ để thực hiện công tác đổi GPLX bằng thẻ nhựa sẽ tiêu tốn khoản chi phí là bao nhiêu, thưa ông?
 
Chúng tôi cũng chưa tính toán được cụ thể. Nhưng 32 triệu thẻ là tổng số GPLX cả mới và cũ chứ không phải là con số phải đổi. 
 
Việc in song ngữ Anh - Việt có thật sự cần thiết không, khi không phải người dân nào cũng biết tiếng Anh, thưa ông?
 
Mỗi một nội dung đều hướng tới mục tiêu quản lý, không phải toàn bộ nội dung đó đều phục vụ tất cả mọi người. 
 
Theo quy định của Bộ Tài chính lệ phí  đổi GPLX bằng thẻ nhựa là 135.000 đồng/một GPLX nếu đổi toàn bộ 32 triệu GPLX chi phí khoảng 4.320 tỷ +số ngày công người dân phải nghỉ việc đi đổi thẻ khoảng 3.200 tỷ. Tổng tổn thất khoảng 7.520 tỷ. 
 
Việc đổi GPLX lại không có hiệu quả gì về mặt quản lý, như vậy, việc đổi có lãng phí tiền và thời gian của người dân hay không, đặc biệt khi cả nước đang kêu gọi thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí?
 
Việc tính toán như vậy cũng là một con số. Nhưng về ngược lại, cũng phải tính được cái lợi GPLX mới mang lại. Ví dụ, thời hạn sử dụng dài hơn, độ bền hơn, tiện lợi hơn, lực lượng tuần tra, kiểm soát phát huy hiệu lực tốt hơn.
 
Phải nhìn từ những cái lợi nó mang lại để tính toán cụ thể mới có thể so sánh được. 
 
Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện một tiến trình hiện đại hóa, công nghệ hóa cũng không thể cứ duy trì kéo dài GPLX với công nghệ lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu quản lý như vậy được. Vì vậy, mọi sự so sánh, tính toán phải toàn diện mới thấy rõ được. 
 
Bộ đã thực hiện cấp mới, đổi thẻ từ năm 2012, vậy theo tính toán của Bộ đã tiết kiệm bao nhiêu phần trăm chi phí so với thẻ giấy, thưa ông?
 
Chúng tôi phải có thời gian để thống kê, tính toán mới có thể trả lời cụ thể được.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Hiếu Lam
Đất Việt