Chờ đón vốn “khủng”
Trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-13% của hệ thống ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đang chờ đợi việc “bùng nổ” bơm tiền.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, trên thực tế, tín dụng đã tăng trưởng 1-2% so với cuối năm 2011.
“Tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011 có yếu tố “ảo”. Lý do là cuối năm 2011, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012 chỉ 17%, đồng thời phân nhóm tăng trưởng tín dụng. Tại thời điểm đó, nhiều ngân hàng nhận định, khả năng tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2012 là khả thi, nên đua nhau tăng trưởng tín dụng ảo, với hy vọng sẽ được NHNN phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 17% năm 2012. Nếu loại trừ yếu tố ảo, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng 1-2% so với cuối năm 2011”, ông Mạnh phân tích.
Theo Vụ Tín dụng, doanh số cho vay, lượng vốn đưa ra nền kinh tế của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì hoạt động. Song nhiều ý kiến lại cho rằng, việc tín dụng suy giảm là điều có thật. Ngay chính các ngân hàng cũng kêu trời, vì khó tìm khách hàng để cho vay.
Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank phàn nàn: “Chúng tôi đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 12%/năm, mà cũng không ai vay”.
Như vậy, khác với câu chuyện thanh khoản được đặt nặng trong 6 tháng đầu năm, thì trong 6 tháng cuối năm, gần như chắc chắn trọng tâm chỉ đạo điều hành của NHNN là tăng trưởng tín dụng.
Theo dự kiến của NHNN, 6 tháng cuối năm nay, dư nợ tín dụng sẽ tăng bình quân khoảng 2%/tháng (phấn đấu cả năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt 12% - 13%). Điều này có nghĩa, trung bình mỗi tháng, Nhà nước sẽ đưa vào nền kinh tế khoảng 50.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là với số vốn “khủng” được bơm ra hàng tháng như vậy, liệu nền kinh tế có hấp thụ được và liệu khả năng lạm phát có quay lại?
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 1,5-1,7%/tháng là hợp lý. Việc tăng quá sốc có thể sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát quay lại trong năm 2013. “Hơn nữa, với tình hình hiện nay, trong trường hợp tốt nhất, tăng trưởng tín dụng năm nay ước chỉ đạt 10%”, ông Ngoạn dự đoán.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ khó bùng nổ. Trên thực tế, dù NHNN có nới lỏng chính sách tiền tệ, thì khả năng tăng trưởng tín dụng cũng rất khó, vì nhiều ngân hàng đang kẹt bởi nợ xấu, không dám cho vay. Các phương án giải quyết nợ xấu để đẩy mạnh tín dụng vẫn chỉ là dự kiến. Do đó, để “kích” tín dụng, không thể trông chờ hết vào chính sách tiền tệ, mà còn phải huy động cả sự vào cuộc của chính sách tài khóa. Kịch bản tăng trưởng tín dụng khả thi nhất trong 6 tháng cuối năm tập trung vào các dự án đầu tư công.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Lượng tiền được bơm ra chủ yếu là tín dụng nhà nước, dành cho các công trình đầu tư công, từ đó lan tỏa lan tỏa đến các doanh nghiệp nhà thầu”.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chỉ tính riêng số vốn thực hiện những dự án trong phạm vi Quốc hội phê duyệt, thì những tháng cuối năm, lượng vốn bơm ra nền kinh tế có thể lên tới 21.000 tỷ đồng/tháng.
Và như vậy, câu chuyện tiếp cận vốn dễ, vốn rẻ của doanh nghiệp sẽ chưa thể được hiện thực hóa trong 6 tháng cuối năm.
Ở một góc độ khác, các ngân hàng thương mại cũng đang ngóng chờ NHNN phân lại hạn mức tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Có khả năng, nhiều ngân hàng sẽ được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn 17%/năm. Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính trong 5 tháng đầu năm, Eximbank đã có tăng trưởng 2,4%, BIDV tăng gần 8,5%, MB tăng hơn 9%...
Một lãnh đạo cấp cao của NHNN cũng cho hay, có thể NHNN sẽ “nới” hạn mức tín dụng 17%/năm cho những ngân hàng có hoạt động cho vay tốt, hiệu quả.
Theo Hà Tâm
Đầu tư