Giảm lãi vay nợ cũ: Tùy thuộc ngân hàng

Nếu các ngân hàng thương mại không thực hiện chỉ đạo giảm lãi thì cũng… khó bị xử lý!

Sau cuộc họp ngành ngân hàng ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ đạo NHNN chi nhánh các địa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động nghiên cứu, xem xét các khoản nợ cũ, chậm nhất ngày 15/7 giảm lãi suất cho vay về mức tối đa 15%/năm, chia sẻ khó khăn cho DN và các hộ dân (hộ gia đình).

 

Không ép buộc

 

Theo văn bản chỉ đạo của NHNN, chi nhánh NHNN các địa phương nhanh chóng kiểm tra, đôn đốc thực hiện cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay...), áp dụng lãi suất cho vay và huy động ở mức hợp lý, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ.

 

Đối với các TCTD, tích cực chủ động phối hợp với khách hàng vay để đánh giá khả năng trả nợ của khách, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu. Dựa trên năng lực tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khoản nợ cũ về mức tối đa 15%.

 

Một cán bộ có thẩm quyền của NHNN cho biết NHNN sẽ không ban hành riêng văn bản pháp quy liên quan đến giảm lãi suất cho vay. Thay vào đó, NHNN đưa nội dung đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa lãi suất cho vay các khoản cũ về dưới 15% vào trong công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của thống đốc về các nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ trong sáu tháng cuối năm 2012.

 

Giảm lãi suất là phương án hài hòa lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Giảm lãi suất là phương án hài hòa lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

 

Cũng theo vị này, lãi suất cho vay là thỏa thuận giữa NHTM và bên được vay nên NHNN chỉ giới hạn can thiệp bằng việc đề nghị, khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay chứ không áp dụng chỉ thị hay văn bản yêu cầu mang tính ép buộc các NHTM.

 

Không hạ lãi thì ngân hàng cũng… “chết”

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng việc NHNN chỉ đạo các NH đưa lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về dưới 15% thay vì 18%-19% là biện pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và NH. Đây cũng là biện pháp vì sự sống còn của NH và DN, giúp NH cơ cấu lại nợ cho DN.

 

“DN còn sống là NH có hy vọng thu hồi nợ, cũng là cách để hai bên cứu nhau trong lúc hoạn nạn” - ông Thành nói.

 

Tuy nhiên theo ông, đây là vấn đề tự nguyện giữa bên vay và cho vay, do đó muốn giải quyết được cần có sự đồng thuận để kéo lãi suất cho vay đến mức hợp lý. Theo quy định, NHNN không có cơ sở pháp lý nào bắt buộc các NHTM thay đổi hợp đồng tín dụng cho vay với mức lãi suất thỏa thuận. Do đó, kế hoạch kéo lãi suất nợ cũ về mức 15% có thực thi được hay không còn tùy vào sự đồng thuận của chính các NHTM.

 

“Trong trường hợp các NH không tuân thủ thì cũng khó xử lý” - ông nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, theo ông Thành, để giải quyết được khó khăn cho DN, NHTM nên chuyển lãi suất khoản vay cũ thành cổ phần của DN, xem như NH tham gia đóng cổ phần cho DN, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

 

Đồng quan điểm này, nguyên Thống đốc NHNN-Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nợ xấu như “cục máu đông” của NH. Nếu không xử lý nợ cũ thì nợ xấu cứ chồng chất liên tiếp, càng thêm khó khăn cho cả NH và DN. Giảm lãi suất là phương án hài hòa lợi ích cho cả hai. Hầu hết các NHTM sẽ chấp hành chỉ đạo của thống đốc NHNN, dù NHNN không được phép ban hành văn bản hay chỉ thị nhưng hiểu nôm na là không thể không nghe “lệnh” của trung ương.

 

Ngân hàng huy động cao sẽ lỗ!

 

Nếu các khoản vay cũ được đưa về 15% trong khi lãi suất huy động cũ cũng là 15% thì NH có bị lỗ? Với những NH giá vốn cao, rổ tiền tệ huy động cao thì rõ ràng sẽ lỗ. Rổ lãi suất tiền tệ bao gồm tất cả khoản tiết kiệm của các kỳ hạn, không kỳ hạn, quỹ bão lãnh… trộn đều sẽ ra lãi suất huy động bình quân là bao nhiêu, sau đó cộng thêm với các chi phí giao dịch, chi phí rủi ro khác sẽ ra cho số cho vay. Nếu rổ lãi suất đó bằng 15% thì NH đó lỗ rồi!

 

Ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc MB

E bóp cái này phình cái kia

 

Những NH lớn thì ắt sẵn sàng đưa lãi suất cũ về 15% vì với họ, chi phí vốn thấp, thanh khoản tốt. Tuy nhiên, với những NH yếu, chi phí vốn rất cao, hiện tại trung bình lãi suất là 9% nhưng đổ đồng trung, dài hạn thì lãi suất phải lên tới 12%, cộng thêm các chi phí khác là 1,5% nữa tổng là 13,5%. Như vậy họ sẽ rất trăn trở về việc giảm lãi khoản vay cũ này.

 

Về phía DN, DN nào được kéo lãi suất là 15% là tốt nhưng thực sự để chi phí vốn hợp lý thì lãi phải dưới 10%. Nếu lãi trên 10% phải là những DN có lợi nhuận trên 30% mới trả nổi cho NH lãi 15%. Trong khi đó, hiện không có nhiều DN có được lợi nhuận 30%. Bởi vậy NH hiện nay khá băn khoăn và DN cũng không hẳn thỏa mãn hoàn toàn với lãi suất này.

 

Cũng có thể có tình trạng bóp chỗ này phình chỗ kia: Bóp lãi suất thì phí nọ, phí kia sẽ tăng. Để tránh tình trạng này, NHNN phải có biện pháp chế tài và nên khuyến khích các DN “tố” các NH ép DN. Động thái giảm lãi này, nếu NH áp cho tất cả đối tượng thì không hợp lý và phi thị trường, vì đi vay thì anh nào rủi ro cao thì lãi suất phải cao, không thể cào bằng các lĩnh vực.

 

Mặt khác, chính sách này tuy giải quyết bức xúc cho DN nhưng kéo dài lâu dẫn đến méo mó thị trường.

 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

 

 

Theo Trà Phương - Yên Trang

Pháp Luật TPHCM