Cách nào phá “cục máu đông” trong ngân hàng?

Nợ xấu của các ngân hàng thương mại được ví như “cục máu đông”, đang làm tắc nghẽn khả năng tiếp cận vốn của các DN.

Cách nào để sớm giải tỏa tình trạng nguy hiểm này, nhằm khơi thông dòng vốn cho DN?

 
Sức tiêu thụ của thị trường suy giảm, nên sản xuất càng nhiều, hàng tồn kho càng cao
Sức tiêu thụ của thị trường suy giảm, nên sản xuất càng nhiều, hàng tồn kho càng cao

 

Bắt đầu từ minh bạch nợ xấu

 

Không ít giải pháp nhằm hỗ trợ DN cải thiện khả năng tiếp cận vốn đã được đưa ra như: hạ lãi suất, ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp… Tuy nhiên, theo các DN, tính ưu việt của các giải pháp này mới tồn tại trên… giấy, bởi thực tế DN vẫn rất khó tiếp cận vốn.

 

Chủ tịch HĐQT một DN thủy sản đang niêm yết cho biết, UBND TP. HCM công bố dành hàng nghìn tỷ đồng cho DN xuất khẩu, chế biến nông, thủy sản… vay với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, đến thời điểm này, ông không được biết ngân hàng nào cho DN vay khoản vốn ưu đãi lãi suất đó, điều kiện cụ thể để được vay là gì. Vì đang lo rủi ro nợ xấu gia tăng, nên khi DN đến ngân hàng vay vốn, các ngân hàng đều buộc DN phải có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả. Trong khi đó, tài sản thế chấp tại hầu hết DN hiện không còn, nên đòi hỏi này của ngân hàng đang đẩy DN vào thế bí không lối thoát.

 

“Để giải quyết nợ xấu, nhằm khơi thông dòng vốn cho DN, các ngân hàng cần linh hoạt thay đổi quan điểm cho DN vay. Theo đó, trên cơ sở phân loại nợ xấu, các ngân hàng nên nới điều kiện cho vay đối với các DN có khoản nợ lành mạnh, đồng thời có tiềm năng phát triển nếu được ngân hàng bơm vốn kịp thời. Đây là cách để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, qua đó dần trả nợ được ngân hàng, giảm dần nợ xấu”, vị chủ tịch nói.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, tình trạng DN khó tiếp cận vốn sẽ không sớm được cải thiện, nếu các ngân hàng tiếp tục thiếu minh bạch tỷ lệ nợ xấu như hiện tại. Chỉ khi nợ xấu được phân loại theo các tiêu chí rõ ràng và công bố minh bạch, thì mới tạo cơ hội cho phát triển thị trường mua bán nợ. Đây là điều kiện quan trọng giúp ngân hàng giảm dần tỷ lệ nợ xấu, trên cơ sở đó mới có thể nới lỏng điều kiện cho DN vay vốn.

 

Việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập công ty mua bán nợ của các ngân hàng với số vốn lên tới 100.000 tỷ đồng, theo bà Lan là khó khả thi, bởi số vốn quá lớn. Nếu triển khai phương án này sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể khiến hàng vạn DN rơi vào cảnh phá sản trước khi công ty mua bán nợ được thành lập. Cách khả thi nhất là các ngân hàng sớm phân loại nợ xấu thành các nhóm khác nhau. Với các nhóm có thể bán được, thì nên cho phép Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mua, để sau đó bán lại khi điều kiện thuận lợi.

 

“Bằng cách này sẽ giúp các ngân hàng giải quyết dần nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, chứ không nên bao cấp xử lý nợ xấu cho các ngân hàng. Khi nợ xấu được xử lý bền vững, sẽ tạo cơ sở cho ngân hàng nới dần điều kiện cho DN vay vốn theo quy luật thị trường, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính…”, bà Lan nhấn mạnh.

 

Cần giải quyết 2 điểm nghẽn

 

Muốn cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DN, theo ông Văn Phụng Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV), cần giải quyết 2 điểm nghẽn quan trọng trong mối quan hệ giữa ngân hàng với DN và giữa DN với thị trường.

 

Thứ nhất, điểm nghẽn giữa ngân hàng với DN, chủ yếu là do DN chưa thể thanh toán được các khoản nợ cũ, trong khi ngân hàng đang đối mặt với nợ xấu gia tăng, nên ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay. Để giải tỏa điểm nghẽn này, các ngân hàng cần chủ động phân loại nợ xấu theo hướng: với những khoản nợ của các DN thuộc khối sản xuất, chế biến, có sản phẩm và sức tiêu thụ tốt, thì cần có biện pháp giãn hoặc khoanh nợ, để tạo thuận lợi cho DN có vốn kinh doanh, qua đó có lãi để trả nợ ngân hàng.

 

Thứ hai, hiện có không ít DN đáp ứng được điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, nhưng do sức tiêu thụ của thị trường suy giảm, nên sản xuất càng nhiều, hàng tồn kho càng cao. Bởi vậy, các DN không mặn mà vay vốn phát triển sản xuất.

 

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DN, cần sự nỗ lực của cả 3 bên: ngân hàng, DN và Nhà nước. Bản thân các DN cần nỗ lực hơn nữa, trong đó trọng tâm là tiết giảm chi phí hoạt động, để sớm thu xếp vốn trả nợ các khoản vay cũ. Có như vậy, các ngân hàng mới nhanh thu xếp cho DN vay mới với mức lãi suất thấp, qua đó giúp DN giảm chi phí đầu vào, cải thiện khả năng sinh lời.

 

Nhà nước cần triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 806/2012 yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp, nhằm không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Động thái này cùng với đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư công trong thời gian tới, sẽ giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm cho DN, đặc biệt là cho ngành xi măng, sắt thép, đồ gỗ… vốn đang bị tồn kho nhiều. Khi đầu ra được khơi thông, thì DN mới gia tăng nhu cầu vay vốn, qua đó tạo động lực cho các ngân hàng và DN nâng cao hiệu quả kinh doanh.

 

Theo Hữu Đạo

ĐTCK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm