1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hạ lãi suất, ngân hàng kêu “tụt huyết áp”

(Dân trí) - Tại hội nghị toàn ngành ngày 7/7, lãnh đạo các nhà băng đồng thuận hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức dưới 15%/năm. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, NHNN “ép hơi quá” nên ngân hàng thương mại không khác nào bị “tụt huyết áp”.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm. Với khoản vay mới lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng vay.

Đáp lại yêu cầu của Thống đốc, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã đồng thuận với chủ trương giảm lãi suất, sát cánh cùng doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, đưa vốn vào nền kinh tế.

Ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất cho vay (ảnh minh họa).
Ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất cho vay (ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết là ngân hàng Vietcombank hiện chỉ có 25% khối lượng tín dụng có lãi suất trên 15%/năm nên ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo của Thống đốc.

Ông Thanh cam kết sau hội nghị tín dụng cho vay lưu động đối với các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không quá 15%/năm, kể cả tín dụng dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không khuyến khích. Với lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay của Vietcombank lãi suất không quá 11%/năm và 12-13%/năm với các doanh nghiệp thông thường khác.

Với thông điệp hạ lãi suất là việc cần làm, là “ngân hàng tự cứu mình”, nhưng vị đại diện này cũng thẳng thắn cho rằng NHNN “ép hơi quá” nên các ngân hàng thương mại không khác nào người bị “tụt huyết áp”. Vì vậy, chính sách cần giảm lãi suất từ từ để ngân hàng còn “có hơi để thở”.

Cùng với dòng suy nghĩ này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng: Dù cứu doanh nghiệp nhưng ngân hàng không thể đem tiền huy động của dân cho vay vung vãi cả những daonh nghiệp không biết làm ăn, không đủ điều kiện vay vốn.

“Chúng tôi đồng ý các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhưng không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ. Ngân hàng phải cho vay chọn mặt gửi vàng, không thể đem tiền cho những đơn vị không đủ điều kiện, sắp phá sản vay được”, ông Dũng bày tỏ.

Theo đó, ông Dũng đề nghị trong văn bản điều hành của NHNN cần có quy định rõ chỉ cho vay đối với DN có đủ điều kiện để không làm tăng nợ xấu. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng cao, tính đến hết tháng 5/2012 là 4,47%, tăng mạnh so với mức 3,07% vào cuối năm 2011.

Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng cũng cho rằng, cái khó hiện nay không phải ở lãi suất mà là việc doanh nghiệp có hoạt động có hiệu quả hay không. Tại hội nghị, ông Hùng tuyên bố ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 12%, thậm chí 11%/năm.

Một thông tin quan trọng mà ông Hùng đưa đến cho hội nghị đó là, hiện vẫn có ngân hàng chào huy động 14%. Vì đầu vào cao, nên một số ngân hàng không giảm được lãi suất cho vay theo yêu cầu của cuộc sống. “Ngân hàng yếu kém vẫn luôn dùng lãi suất cao dẫn dắt thị trường”, ông Hùng nói.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) mong NHNN có thông điệp rõ về lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Vị đại diện này cũng hứa sẽ đưa lãi suất về đúng yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, theo laaanhx đạo ngân hàng này, không phải cứ khi nào ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp cũng đồng thuận.

Bà Nga cho hay, có khách hàng của ngân hàng vay bất động sản với lãi suất 24%/năm nay được ngân hàng giảm xuống 20%/năm, họ cũng không trả được nợ. Sau đó khách hàng “mặc cả” lãi suất xuống 12%/năm, đến khi ngân hàng không ý thì họ lại nói “để suy nghĩ”. Thực tế này cho thấy, không chỉ có ngân hàng mặc cả lãi suất huy động, mà còn có người đi vay mặc cả lãi suất để trả nợ…

Số liệu từ NHNN cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,76%, tính cả giấy tờ có giá đạt khoảng 1,4% là rất thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra khoảng 15%.

Trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn hệ thống và từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8 - 10%.

Một trong những biện pháp cốt lõi của NHNN là sẽ điều hành lượng tiền cung ứng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của thị trường và chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 6 - 8%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 - 16%, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế trên 3 tỷ USD. Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (5,2 - 5,7%), không gây áp lực lạm phát cho năm 2013 và các năm tiếp theo, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.

Nguyễn Hiền