Kinh tế chỉ cần kiên nhẫn chờ thêm 1 tháng nữa?

(Dân trí) - Theo đánh giá của giới chuyên gia, tăng trưởng của Việt Nam sẽ nhích nhẹ trong những tháng nửa cuối năm, tuy nhiên đáy tăng trưởng phụ thuộc vào sự hiệu quả của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tháng 8 dự kiến sẽ là điểm rơi chính sách.

Theo TS Võ Trí Thành, điểm rơi chính sách sẽ vào tháng 8.
Theo TS Võ Trí Thành, điểm rơi chính sách sẽ vào tháng 8.
Đoán "đáy"

Khép lại quý II vừa ồ ạt những luồng thông tin vĩ mô, không ít câu hỏi về thời điểm "đáy" của nền kinh tế liệu đã qua? Tại cuộc họp Quốc hội vừa rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, dựa trên chiều nhích lên của tăng trưởng, số lượng doanh nghiệp phá sản và chỉ số tồn kho được cải thiện, "chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất", tuy nhiên vẫn không ít hoài nghi và lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian sắp tới.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ, trong bài báo mới nhất về Việt Nam gần đây ghi nhận thực tế, thu ngân sách nhà nước đã giảm trong nửa đầu năm 2012, mang lại nhiều khó khăn hơn cho Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. 

Cụ thể thu ngân sách đã giảm 1,7% trong nửa đầu năm so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 346.000 tỷ đồng, tương đương 16,6 tỉ USD đạt với 46,7% mục tiêu năm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguyên nhân do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về kinh doanh, sản xuất dù về phía Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hạ lãi suất liên tục. 

Bà Hoàng Thanh Tâm, lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank) cho biết, ngân hàng đã không cho vay nhiều được như mong muốn do nền kinh tế tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp và làm giảm bớt nhu cầu vay vốn.

Với mức tăng trưởng GDP quý II đạt 4,66%, Chính phủ đang đối mặt với thách thức để đạt được mục tiêu 6% trong năm 2012 giữa bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu và tình hình tăng trưởng ở Trung Quốc cũng đang suy giảm.

Dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, hãng tin của Mỹ cho rằng, thì việc giảm thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chi tiêu, thúc đẩy kinh tế từ này đến hết năm.

Trao đổi với Dân trí, TS Ngô Trí Long, (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính), ở thời điểm hiện nay, việc đưa ra nhận định thị trường đã chạm đáy hay chưa phải căn cứ tùy vào yếu tố: tăng trưởng, chỉ số giá hay thu ngân sách. Theo ông, còn phải xem việc tháo gỡ khó khăn đối với tế bào quan trọng nhất để tạo ra GDP cho nền kinh tế là doanh nghiệp có tác dụng hay không.

Bản cập nhật báo cáo kinh tế Việt Nam của bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng ANZ công bố mới đây cũng đưa ra nhận định, trong tâm chính sách của Việt Nam hiện nay đang là tăng trưởng. 

Theo đó, chuyên gia ANZ cho rằng, mức tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những động thái nới lỏng tiền tệ tích cực và những chính sách tài khóa mới trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng theo tính toán ban đầu ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều rủi ro. 

Căn cứ vào những động thái nới lỏng tiền tệ và quyết định tăng mức chi tiêu công gần đây của Chính phủ, ANZ cho rằng, mức tăng trưởng sẽ tăng dần trong sáu tháng cuối năm. Nguồn tín dụng dồi dào hơn sẽ thúc đẩy mức cầu và tình hình sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, những biện pháp hỗ trợ tài chính cũng sẽ góp phần hỗ trợ GDP. 

Cụ thể, Chính phủ đã ra mắt gói hỗ trợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới hình thức miễn giảm thuế trong quý 2, và dự định sẽ tăng mức chi tiêu công hàng tháng lên mức 21.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) cho đến hết năm, nghĩa là hơn 3% của tổng thu nhập quốc nội (GDP). 

Với những lý do trên, ANZ vẫn giữ nguyên lập trường là mức tăng trưởng GDP sẽ tăng đến hơn 5% so với quý 3 năm ngoái, hơn 6% trong quý 4 và mức tăng trưởng chung cho năm 2012 sẽ đạt 5,5%.  

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản đều rất thấp là 4,4 - 5,1%. TS Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thậm chí cho rằng, GDP khó có thể tăng quá 4,5% - tức "đáy tăng trưởng" của nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết năm theo hình lòng chảo. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nghiêng về triển vọng lạc quan hơn, dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ vào khoảng 5,1%, như vậy là có đi lên.  

Mới đây, tại hội nghị sơ kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng có thể sẽ là điểm duy nhất không hoàn thành trong năm nay. Theo Thủ tướng, mức tăng GDP phấn đấu cả năm sẽ rơi vào khoảng 5,2-5,7% thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6-6,5%- tuy vậy, đây là mức hợp lý khi vẫn đạt được các mục tiêu khác về ổn định vĩ mô và an sinh xã hội.

Số liệu về tăng trưởng GDP (dự báo) được nhắc tới trong bài.

Số liệu về tăng trưởng GDP (dự báo) được nhắc tới trong bài.

Kỳ vọng ở tháng 8

Tham gia với vai trò diễn giả chính trong hội thảo lấy chủ đề giải cứu doanh nghiệp và cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán được công ty chứng khoán SHS tổ chức cuối tuần trước, TS Võ Trí Thành đã đưa ra nhận định, tháng 8 tới sẽ là một tháng "thú vị"với điểm rơi của các chính sách, trong đó có thể có phương án xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.

Ông Thành đưa ra 3 cách xử lý nợ xấu tại ngân hàng: Cách thứ nhất là để cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu thông qua lập các công ty mua bán nợ (AMC) song cách này chỉ có thể giải quyết được các khoản nợ nhỏ. Phương án thứ hai là dựa vào các tổ chức nước ngoài hoặc môi giới trên thị trường thế giới. 

Và cách thứ ba và cũng là phương án quan trọng nhất theo ông Thành là khoản nợ xấu trên sẽ do Chính phủ giải quyết. Được biết, tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng hôm 7/7, NHNN cho biết, đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng. Trong tổng số khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu, có 84% được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng135% giá trị nợ xấu.

Nhận xét về gói hỗ trợ 36.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội phê duyệt trong đó có 29.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và 7.000 tỷ đồng miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1, ông Thành cho rằng, số vốn này vẫn là quá nhỏ để có thể tạo ra bước tiến mạnh mẽ cho nền kinh tế có quy mô GDP khoảng 130 tỷ USD.

Vì vậy, hy vọng chính sách theo ông sẽ rơi nhiều hơn vào một số giải pháp như đẩy nhanh đầu tư công (giải ngân 21.000 tỷ đồng/tháng đến hết năm), tăng cường giải ngân 3-4 tỷ USD vốn ODA và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn.

Ở mặt tiền tệ, theo phân tích của nhóm nghiên cứu tại ANZ, xét đơn thuần về mặt chính sách, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ không tiếp tục hạ lãi suất. Dù vậy, các chuyên gia tại đây cũng lưu ý, nếu một lần nữa mức tăng trưởng không được như kỳ vọng - dưới mức 5% trong quý III thì viễn cảnh lãi suất sẽ tiếp tục hạ thêm 100 điểm phần trăm là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Đồng thời cảnh báo, trong trường hợp những biện pháp tiền tệ được nới lỏng quá mức, thâm hụt cán cân thương mại và lạm phát ở mức nguy hiểm sẽ làm tăng áp lực mất giá của VND. Tỷ lệ lạm phát cao và kéo dài trong những năm trước đã làm giảm niềm tin đối với tiền đồng và do đó nhiều nhà đầu tư trong nước có thể sẽ muốn chuyển về USD hay vàng nếu tỷ lệ lạm phát tiếp lại tăng trong những giai đoạn sắp tới.

ANZ: Trọng tâm của chính sách đã chuyển sang tăng trưởng (ảnh: AFP).

ANZ: Trọng tâm của chính sách đã chuyển sang tăng trưởng (ảnh: AFP).

Lối thoát

TS Ngô Trí Long đánh giá, những giải pháp của Chính phủ đưa ra mới đây như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất mới chỉ là giải pháp tình thế. Cần phải có những giải pháp căn cơ thì mới giải quyết được lâu dài và tận gốc vấn đề đó là tái cơ cấu lại. Tự bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giải quyết khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải xem xét lại cơ chế phá sản - những doanh nghiệp không thể tồn tại được nữa thì cần phải cho phá sản, giải thể.

TS Nguyễn Quang A thì cho rằng, có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đó là việc đáng hoan nghênh. "Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chỉ lưu ý chạy theo tìm kiếm sự hỗ trợ ấy thì theo tôi nghĩ ,các doanh nghiệp ấy thì đằng nào cũng chết. Doanh nghiệp phải cứu mình trước hết, thay đổi chiến lược, thay đổi phương pháp kinh doanh, giảm chi phí, tìm kiếm đầu ra mới, khách hàng mới. Tự bản thân doanh nghiệp mới là cái chính chứ còn sự giúp đỡ của nhà nước là đáng quý nhưng không đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế. Vì muốn GDP tăng thì bản thân doanh nghiệp mới là người tạo ra cái đó."

Ông cũng tin rằng, với diễn biến lạm phát như hiện nay, lãi suất sẽ còn giảm. "Song với những doanh nghiệp thấy mình làm ăn không tốt, còn nợ quá hạn và kế hoạch kinh doanh không thuyết phục thì nên xác định là không tiếp cận được vốn" - ông Quang A cảnh báo. Đồng thời, về phía nhà chính sách, "khi doanh nghiệp kêu thì cũng phải xem họ kêu vì cái gì. Có những người kêu rất chính đáng nhưng cũng có những người phải xem lại chính mình xem như thế nào?", vị chuyên gia góp ý.

Còn theo như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, cơ quan điều hành sẽ phải xem lại, phải cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nợ khó đòi, giúp doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay vốn và tiếp cận được nguồn vốn. Theo đó, thay vì cho vay dựa trên tài sản thế chấp, ngân hàng nên căn cứ vào dự án và giám sát theo tiến độ dự án để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng được ưu tiên.

Trong bài báo của mình, Bloomberg dẫn lời TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với tình hình hiện tại, Chính phủ có thể sẽ phải phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn.

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán, nửa đầu năm nay, Việt Nam đã phát hành ra 79.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Việc phát hành trái phiếu đã trở nên thuận lợi hơn sau khi Standard & Poor's nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam lên hồi tháng trước.

Bích Diệp